- Cả nước hiện có gần 90.000ha xoài, nhưng chủ yếu là ở ĐBSCL với hơn 41.000ha. Hơn 85% diện tích này trồng hai giống xoài có chất lượng rất cao là xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu.
Nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam và Hiệp hội Trái cây VN cho thấy chất lượng hai giống xoài này ngon hơn các giống xoài của Thái Lan và Philippines, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ông Phạm Văn Dư - Ảnh: V.Tr.
* Không chỉ VN hay Thái Lan, Philippines mà còn nhiều nước khác có thế mạnh xuất khẩu xoài. Nhu cầu tiêu thụ xoài của thế giới như thế nào, thưa ông?
- Hằng năm Nhật Bản nhập khẩu 10.000-12.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ Mexico, Thái Lan, Philippines, Brazil, Đài Loan, chưa kể sản phẩm nước ép, kem xoài, bánh xoài.
Còn tại thị trường Hàn Quốc nhu cầu tăng tới 33%/năm. Giá nhập khẩu xoài trung bình năm 2012 của Hàn Quốc là 4.495 USD/tấn và Nhật Bản là 4.955 USD/tấn.
Thị trường nhập khẩu xoài có xu hướng tăng so với các loại trái cây nhiệt đới khác vì mức giá cạnh tranh, khả năng cung ứng quanh năm, có khả năng áp dụng kỹ thuật bảo quản để kéo dài thời gian vận chuyển.
Chính những điều kiện này dự báo trong tương lai xoài là ngành hàng tiếp tục phát triển ổn định. Đó là cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu xoài, nếu biết lựa chọn những phân khúc thị trường thích hợp.
* Rào cản lớn nhất đối với thanh long, nhãn, chôm chôm và xoài khi muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính là gì, thưa ông?
- Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản rất thích xoài tươi, có màu vàng, đỏ, mềm.
Tuy nhiên, điều kiện là trái không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, được bao trái trong quá trình sản xuất, xử lý bằng hơi nước nóng để phòng trừ ruồi đục quả và được cơ quan chức năng của nước nhập khẩu kiểm tra trước khi giao hàng.
Tiêu chuẩn này thật ra không phải là quá khắt khe vì các thị trường lớn khác cũng yêu cầu như vậy.
Không riêng gì xoài mà nhãn, chôm chôm, vải, thanh long muốn xuất khẩu vào các thị trường đó cũng phải đạt tiêu chuẩn Global GAP về quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói; được nước nhập khẩu thẩm định, cấp mã số vùng trồng.
Đó chính là các rào cản kỹ thuật khá lớn với chúng ta vì diện tích, sản lượng trái cây đạt tiêu chuẩn này còn ít.
* Ngành nông nghiệp đã có sự chuẩn bị gì để các loại trái cây đặc sản VN đủ điều kiện bước vào thị trường khó tính?
- Chủ trương tổ chức các vùng nguyên liệu trái cây đặc sản quy mô lớn theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP đã có từ lâu.
Các địa phương đang có nhiều mô hình sản xuất thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài theo tiêu chuẩn GAP nhưng diện tích còn ít.
Việc cần làm là chính quyền địa phương phải hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng diện tích và hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Bộ NN&PTNT cũng đã giao các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn làm “tổng chỉ huy” sản xuất rải vụ.
Điều quan tâm bây giờ là cần có nhiều công trình nghiên cứu sâu về sản xuất rải vụ để cây ăn trái cho năng suất cao, tránh được sâu bệnh; nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch để hạn chế thất thoát (hiện nay thất thoát tới 30-40%), tăng lợi nhuận cho nông dân.
Tôi cũng lưu ý là gần đây các doanh nghiệp Mỹ, Anh... đã đến tận vườn nhãn, chôm chôm của VN để kiểm tra trước khi mua. Cho nên cần phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP bài bản, nghiêm chỉnh thì họ mới cấp mã số vùng trồng để nhập khẩu sản phẩm ở vùng đó.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]