(Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)
Theo đó, mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra là phát triển thành trung tâm cung cấp các dịch vụ về dệt may cho khu vực phía Nam, đồng thời trở thành trung tâm thiết kế thời trang của cả nước.
Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn về việc nguồn nhân lực phục vụ cho quy hoạch này rất khó khăn, nhất là các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo quy hoạch được công bố, nhu cầu lao động tăng thêm cho ngành dệt may của thành phố đến năm 2015 khoảng 19.500 lao động, đến năm 2020 khoảng 20.250 lao động, trong đó nhu cầu tăng thêm về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà thiết kế lần lượt là 500 và 1.000 người.
Tiến sỹ Bùi Mai Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may, Khoa cơ khí (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện chỉ có trường Đại học Bách khoa của Thành phố Chí Minh và Hà Nội là hai trường đại học tại Việt Nam đang đào tạo kỹ sư chuyên ngành dệt may, trong đó Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đáp ứng được khả năng đào tạo 80 kỹ sư chuyên ngành dệt may/năm.
Vì thế, khả năng đáp ứng nhu cầu tăng thêm của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên phục vụ ngành dệt may theo như tính toán của Thành phố Hồ Chí Minh là rất khó khăn.
Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại buổi hội thảo, ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp của Sở Công Thương cho biết, Sở Công Thương sẽ làm việc với các cơ quan liên quan là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các trường đại học lên kế hoạch phát triển từng mục tiêu một cách chi tiết, qua đó giúp các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo có phương thức thực hiện rõ ràng, góp phần phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được công bố, đến năm 2015, giá trị sản xuất hàng dệt may của thành phố đạt 37.850 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010.
Đến năm 2020, giá trị sản xuất hàng dệt may đạt 47.670 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015 và đến năm 2025 giá trị sản xuất hàng dệt may đạt 63.726 tỷ đồng, tăng gấp 1,33 lần so với năm 2020.
Quy hoạch cũng xác định, đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp dệt may đạt 8,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 5%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 4,5%.
Để đạt các kết quả trên, thành phố sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh cho ngành dệt may, tập trung vào các sản phẩm thân thiện môi trường với mẫu mã, dịch vụ, chất lượng và giá cả cạnh tranh; thực hiện di dời các cơ sở nhuộm trong nội thành về các khu và cụm công nghiệp; tập trung đầu tư theo chiều sâu, liên kết giữa thành phố với các doanh nghiệp dệt may, các trường đào tạo công nhân, kỹ sư chuyên ngành; chuẩn bị diện tích đất cho đầu tư một nhà máy nguyên phụ liệu cho may mặc.
Nguồn vốn đầu tư cho dệt may đến năm 2015 dự kiến là hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn thành phố là 2.750 tỷ đồng và đến năm 2020 là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư tại địa bàn thành phố là 5.000 tỷ đồng./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]