Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng về dự. Tham dự hội thi có 48 thí sinh đến từ 12 đội thuộc 9 huyện, thị, thành phố vùng trọng điểm sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên. Để tiến tới Giải thưởng “Bàn tay Vàng”, các đội phải trải qua 2 phần thi: “Hái chè” và “Sao chè”.
“Vũ điệu” làm nên hương vị chè Thái
Phần thi “Hái chè” diễn ra tại đồi chè của gia đình ông Lê Quang Nghìn ở xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên). Thí sinh Nguyễn Thị Canh đến từ làng nghề sản xuất chè Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương) hai tay thoăn thoắt trên luống chè xanh, chia sẻ: “Chè búp hái phải là 1 tôm 2 lá, búp hái không bị giập nát…”.
Các thí sinh trong phần thi “Hái chè”.
Thí sinh Nguyễn Thị Nguyệt đến từ xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên) thổ lộ: “Tôi biết hái chè từ nhỏ. Nhà tôi trồng tới 1 mẫu chè. Để tham gia cuộc thi, tôi phải tập dượt vài lần xem trong 1
giờ hái được bao nhiêu kg chè”.
Chè búp sau khi hái xong được đóng gói niêm phong và chuyển về Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (cách địa điểm hái chè 15km) để tiến hành phần thi “Sao chè”. Một vị trong Ban giám khảo đã ví von rằng, từ công việc hái cho đến sao chè của người nông dân (ND) là cả một vũ điệu. Vũ điệu ấy không đơn thuần là sự di chuyển của đôi tay mà còn ẩn chứa những kỹ năng, bí quyết truyền thống lâu đời của người trồng chè…
Tôn vinh người sản xuất chè
Ở phần thi hái chè, giữa các thí sinh và các đội không có sự khác biệt lớn trong kỹ năng, bí quyết. Nhưng đến phần thi “Sao che”, kỹ năng, bí quyết, cách làm giữa các đội đã có sự khác nhau rõ rệt. Đội nào cũng dùng lá chè tươi để đánh chảo, nhưng có đội đánh khô, có đội đánh chảo ướt. Đánh chảo xong, có đội cho luôn chè búp tươi vào sao ngay; có đội dùng tay thử nhiệt trên bề mặt chảo vài chục phút rồi mới cho chè vào sao.
Ban tổ chức đã trao giải Vàng phần Hái chè cho đội xã La Bằng (Đại Từ); giải Vàng phần Sao chè thuộc về đội nông dân xã Tức Tranh (Phú Lương).
Ông Phạm Văn Hà - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phổ Yên tiết lộ: “Khâu đánh chảo khá quan trọng trong quy trình sao chè truyền thống. Dù là đánh ướt hay đánh khô thì nguyên tắc là phải khử được mùi sắt, chảo sạch dậy mùi chè thì mới đưa vào sao chính thức…”.
Có đội cho chè búp tươi vào sao ngay, có đội dùng quạt lá cọ quạt cho búp chè khô ráo rồi mới cho vào chảo. Ở công đoạn đảo chè búp trong chảo, giữa các đội cũng có sự khác nhau. Trong khi các đội dùng đũa tre, đũa gỗ để đảo chè thì các thí sinh đến từ làng nghề Bãi Hu, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) và xã Vô Tranh (Phú Lương) lại dùng chính đôi bàn tay trần “múa lượn” trên chảo nóng hàng tiếng đồng hồ cho tới khi những búp chè tươi trở thành chè móc câu chính hiệu…
Ông Nguyễn Hải Khê - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, Phó Ban tổ chức hội thi cho biết: “Hội thi nhằm quảng bá, tôn vinh cây chè, sản phẩm chè, ND trồng chè, là sân chơi để nông dân, HTX, doanh nghiệp làm chè giao lưu, trao đổi, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ chè…”.
Theo Phương Đông - Dân Việt
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]