Trước tình hình sử dụng hóa chất trong thực phẩm gây giảm lòng tin của người tiêu dùng thời gian qua, việc ban hành quy định tạm thời tiêu chí, yêu cầu đối với thực phẩm, nông sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội sẽ tạo cơ sở cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân Thủ đô.
Ngày 22.6, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn đang là nhu cầu bức thiết của người dân. Tình hình sử dụng hóa chất không được kiểm soát chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp khiến cho người dân bất an về chất lượng an toàn thực phẩm. Tình trạng thực phẩm không an toàn được bày bán không chỉ gây thiệt hại cho kinh tế mà còn làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Nhu cầu lượng lương thực, thực phẩm rất lớn, trong khi sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu. (Ảnh minh họa)
Để đảm bảo cung cấp cho thành phố lượng rau thịt đảm bảo an toàn, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban điều phối gồm 21 tỉnh, thành tham gia. Tuy nhiên, cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chí quy định rõ yêu cầu đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại Hà Nội làm căn cứ triển khai hiệu quả chương trình.
Quy định tạm thời tiêu chí, yêu cầu đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội nêu rõ, yêu cầu chung tất cả sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại Hà Nội phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo ATTP theo quy định. Bên cạnh đó, với 3 chương, 18 điều, dự thảo cũng quy định cụ thể là tiêu chí đối với cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến rau, thịt, yêu cầu về bao gói, bảo quản, vận chuyển, kiểm nghiệm thực phẩm… Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các DN, hộ sản xuất ký cam kết sản xuất an toàn và cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giới thiệu DN thu mua, chế biến, tiêu thụ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết: Sản xuất của Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố. Đáng lo ngại, có 80% thực phẩm trên địa bàn thành phố được tiêu thụ trôi nổi ở chợ truyền thống, chỉ 20% tiêu thụ qua cửa hàng tiện ích, siêu thị.
Để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đã phối hợp xây dựng triển khai chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Theo đó, Ban điều phối tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau, thịt an toàn với các tiêu chí cụ thể.
Tuy nhiên, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Việc quản lý và đưa ra tiêu chí cụ thể là hết sức khó khăn vì có cả trăm loại rau xanh thay đổi theo mùa vụ, còn thịt cũng có nhiều loại... Vì vậy, cần xây dựng “mẫu số chung” để không gây khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và tiêu thụ rau, thịt trên địa bàn thành phố.
Đối với sản phẩm là thịt gia súc gia cầm như sản phẩm lợn, khi ở các tỉnh thành phố khác có đầy đủ giấy chứng nhận về thú y, giấy phép vận chuyển thì đến điểm giết mổ, sơ chế đóng gói có cần phải có giấy chứng nhận về giết mổ nữa không.
Đồng thời, cần có quy định rõ hơn về việc liên kết sản xuất, nếu hệ thống siêu thị có hợp đồng thoả thuận mua bán với một đơn vị sản xuất nông sản an toàn có uy tín, tuy nhiên sản phẩm chưa được các cơ quan quản lý kiểm duyệt khi mang sản phẩm này ra bán thì công ty sẽ bị xử lý như thế nào, điểm này cần có quy định rõ ràng hơn.
“Khi ban hành một quyết định hay thông tư cần nghiên cứu về thể thức văn bản, các quy định pháp luật về ban hành quyết định để khi ban hành các văn bản đúng với quy phạm pháp luật đồng thời đúng thẩm quyền, chi tiết nhưng đối tượng áp dụng cũng cần rõ ràng để khi triển khai vào thực tiễn được thuận lợi”, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.
Theo các đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh thành phố tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản về Hà Nội cho rằng, sản phẩm khi tiêu thụ qua các kênh này có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý đã làm tăng số nhà cung cấp hàng hóa từ vài chục lên vài trăm đơn vị trong những năm tham gia liên kết, hợp tác. Không chỉ người dân sản xuất mà doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng lên.
Tại hội nghị các đại biểu cũng nêu một số hạn chế như: thiếu sự gắn kết trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng chưa đồng bộ, công tác kết nối, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối còn gặp khó khăn. Vì hiện nay, phần lớn các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các địa phương là của doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sản xuất nên chưa đảm bảo các tiêu chí về mẫu mã, bao bì, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]