Đây là một chương trình khảo sát, đánh giá tiềm năng xuất khẩu các ngành được tiến hành từ năm 2005 với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, dựa trên các chỉ số: xuất khẩu, khả năng cung ứng nội địa và khả năng chiếm lĩnh thị trường.
Nhóm nghiên cứu chia các ngành hàng và mặt hàng thành 3 nhóm theo giá trị xuất khẩu: Nhóm xuất khẩu quan trọng nhất, nhóm xuất khẩu trung bình và nhóm xuất khẩu ít. Theo đó, các ngành hàng sắn, cà phê, cao su, hạt tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ, gỗ và các mặt hàng từ gỗ mỹ nghệ; ngành điện, điện tử; một số sản phẩm thủy sản: cá tra, cá ngừ, tôm...; dệt may, da giày... đều được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu cao. Các nhóm mặt hàng rau quả, chè, mật ong, hạt điều, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt… được xếp vào nhóm tiềm năng xuất khẩu trung bình.
Bất ngờ là trong nhóm mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu thấp có lúa gạo, bên cạnh các mặt hàng vốn được cho là có tiềm năng xuất khẩu thấp như các sản phẩm thêu ren, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ giấy, hàng thủ công sử dụng nguyên liệu sừng, đá…
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư ngạc nhiên với kết quả đánh giá trên. Theo ông, nông nghiệp VN nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng vẫn có một tiềm năng rất to lớn. “Ngày nay, sản xuất lúa gạo vẫn có lợi thế lớn trong bối cảnh, cách nhìn về an ninh lương thực đã thay đổi. Lúa gạo vẫn là một mặt hàng quan trọng và VN có tiềm năng là một kho lương thực của thế giới. Nhưng đánh giá cho rằng tiềm năng xuất khẩu gạo của VN thấp là đáng ngạc nhiên”, ông nói.
Về điều này, đại diện của nhóm nghiên cứu cho rằng, sở dĩ báo cáo đánh giá thấp là do xuất khẩu lúa gạo luôn tăng trưởng liên tục về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu không tăng tương xứng, trong khi Chính phủ đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch, đưa các loại cây trồng có lợi nhuận cao vào sản xuất thay vì tập trung trồng lúa. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu dư thừa và xuất khẩu gạo VN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Không đồng tình với giải thích trên, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, báo cáo nghiên cứu chưa làm nổi bật vai trò của ngành hàng xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, điện tử… trong khi VN hiện nay có tiềm năng là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này, với đầu tư lớn của các hãng sản xuất Samsung, LG… Theo ông, báo cáo nghiên cứu tuy có đề cập vai trò của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) nhưng bóng dáng của DN SME chưa nhiều.
Ông Miroslav Delaporte, Trưởng đại diện Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ cũng đồng ý với nhận định này. Theo ông, VN cần có quan điểm và chính sách rõ ràng hơn để DN SME có thể đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng xuất khẩu. “Chính các DN SME sẽ hình thành nên nền tảng các ngành xuất khẩu và đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong thúc đẩy xuất khẩu của VN. Các tổ chức xúc tiến thương mại cần phải tăng cường cho DN SME bằng các dịch vụ tư vấn, giúp họ định hình những sản phẩm cơ bản, chiến lược marketing, thông tin về thị trường”, ông Miroslav Delaporte nói.
Một chuyên gia khác, ông Alain Chevalier, cố vấn kỹ thuật cao cấp cho chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho DN SME của VN có mặt tại hội thảo cũng đánh giá, các DN SME hiện nay sẽ khó phát triển nếu không có dịch vụ hỗ trợ thương mại.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]