Với giá mà các thương lái Trung Quốc đưa ra từ 15.000-16.000 đồng/kg, có thời điểm 23.000-25.000 đồng/kg thịt ốc, bằng 3-4kg thóc thì khắp cánh đồng đầy người không còn là chuyện lạ. Người người, nhà nhà đổ xô đi bắt ốc. Người bán, kẻ mua không ai biết thương lái Trung Quốc làm gì với lượng ốc hàng tấn mỗi ngày.
Giá bằng 3 kg thóc nên ốc bươu vàng lại được săn lùng ráo riết.
Theo một nông dân đứng ra thu gom, ốc mua về được luộc chín, thân tách ra khỏi vỏ, vứt bỏ nhân, trứng... chỉ lấy lưỡi. Ruột ốc được mang đến lán thu mua, sau khi rửa qua nước, ốc được cân và cho vào thùng xốp, ướp muối, đá lạnh và dán kín để bảo quản. Mỗi thùng xốp được đóng 55kg ốc ruột đã sơ chế.
Trung bình mỗi ngày, chủ thu mua bán được hơn 30 thùng xốp như thế. Nhiều gia đình, có ngày bắt được 2-3 tạ ốc bươu vàng, thu về ít nhất cũng từ 400.000-500.000 đồng/ngày.
Cơn sốt săn ốc bươu vàng bán cho Trung Quốc cũng đổ bộ vào miền nam. Một chủ thu mua cho biết, Hậu Giang có 5 cơ sở thu mua ốc bươu vàng. Những điểm thu mua thủy sản ở Vị Thủy, Long Mỹ (Hậu Giang) giờ chỉ tập trung thu mua ốc bươu vàng. Trung bình mỗi ngày 4 tấn thịt ốc được thu mua.
Trước tình trạng dân đổ xô đi bắt ốc bươu vàng bán với giá cao, người dân nhân, nuôi ốc bươu vàng đem bán. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đã có Công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, ngăn chặn việc nhân, nuôi ốc bươu vàng.
Đổ xô vào rừng chặt lá cò ke
Sau nhiều phi vụ thu mua nông sản, cây lá… “kì quặc”, gần đây, Trung Quốc lại tiến hành gom lá rừng cò ke.
Cánh rừng giáp ranh 2 huyện miền núi Tương Dương và Con Cuông, tỉnh Nghệ An gần đây bỗng nhiên đón rất nhiều khách vào “thăm”. Tìm hiểu ra mới biết, nhiều người dân bản địa đổ xô vào rừng để khai thác lá cây cò ke...
Chưa ai biết, thương lái Trung Quốc thu mua lá cò ke làm gì?
Dọc theo Quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên huyện Tương Dương, có rất nhiều điểm thu mua lá cò ke.
Tại xóm Bãi Văn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, người dân thu gom lá cò ke tập kết thành những hàng dài bên quốc lộ. Một người dân bán lá cho biết: Một kg lá cò ke khô bán được khoảng 7.000 đồng, một ngày vào rừng chặt được khoảng 40 kg lá, tính ra thu nhập được khoảng 200.000 đồng/ngày.
Theo lời một đối tượng gom lá, từ tháng 8/2013, hằng ngày, họ thu gom lá cò ke để bán cho thương lái. Giá lá khô được gom mua gần 8.000 đồng/kg. Khi gom đủ hàng, thương lái cho xe tải đến chở đi Trung Quốc bán. Trung Quốc thu mua làm gì thì không ai rõ.
Lợn mỡ giá cao, ai chẳng ham
Nhiều ngày qua, người chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Nam đón nhận một thông tin vui, đó là giá thịt lợn hơi nhiều mỡ bỗng nhiên tăng cao từ 40.000-41.000 đồng/kg (bình thường giá lợn mỡ từ 30.000-35.000 đồng/kg hơi). Không thể không vui khi mà lần đầu tiên sau hơn 2 năm, giá thịt lợn hơi mới lại có xu hướng tăng trong khi người chăn nuôi thường xuyên phải đối diện với cảnh thua lỗ triền miên do đầu vào cao, đầu ra thấp… Tuy nhiên, việc tăng giá có nguyên nhân từ thương lái Trung Quốc, mà điều đó cần phải cảnh giác vì đã có quá nhiều bài học.
Lợn càng mỡ, thương lái Trung Quốc càng trả giá cao.
Tuy nhiên, điều này lại đặt ra lo ngại, liệu đây có phải lại là một chiêu trò của các thương lái Trung Quốc? Liệu rằng, khi họ đặt ra mục đích thu mua lợn mỡ nhiều, nông dân Việt Nam lại đổ xô nuôi lợn mỡ, rồi đến khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, điều gì sẽ xảy ra? Khi đó tồn hàng trăm, hàng ngàn tấn thịt lợn mỡ, trong khi thị trường nội địa không tiêu thụ được, ai sẽ giải quyết hậu quả sau này?
Năm 1997, Trung Quốc thu mua mèo với giá cao khiến lượng mèo của Việt Nam giảm đáng kể. Người dân thậm chí chỉ rình sơ hở là bắt trộm mèo để bán. Cùng năm đó, đại dịch chuột hoành hành dữ dội.
Vào khoảng năm 2003-2004, thương lái Trung Quốc ráo riết về các chợ nông thôn thu mua móng trâu, bò với giá rất cao, thậm chí, chỉ 4 móng chân của trâu, bò có thể bán với giá cao hơn hẳn một con trâu, bò. Nông dân đua nhau giết trâu lấy móng, cho dù thịt trâu có phải bán đổ bán tháo vẫn có lãi. Chính sách thu mua này khiến lực lượng cày kéo chính đã bị triệt phá. Thời gian sau đó, nông dân phải bỏ tiền sang biên giới "tậu" trâu, bò với giá ngất ngưởng.
Đỉa khô, ong bầu, rễ sim, lá điều, hải đường…là những mặt hàng "kỳ quặc" được Trung Quốc tích cực thu mua trong năm 2012 tại Việt Nam.
Vào khoảng tháng 5/2012, thương lái Trung Quốc ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa giá cao (từ 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô) khiến các làng quê nhộn nhịp khác thường, cánh đồng lúc nào cũng có người túc trực bắt đỉa.
Việc thu mua đỉa ào ạt của Trung Quốc khiến người dân không chỉ đi bắt mà còn thi nhau nuôi đỉa. Một dấu hỏi lớn cho các nông dân khi thương lái không mua nữa thì việc giải quyết số đỉa này như thế nào trong khi đỉa là loại động vật có sức sống rất mãnh liệt, có thể bị đốt cháy nhưng gặp điều kiện thích hợp chúng lại có thể tái sinh?
Theo Nguyễn Sơn (Tổng hợp) - doisongphapluat.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]