Càng cao càng dùng ít
Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện nay Việt Nam đang lưu hành khoảng 1.500 hoạt chất và 30.000 mặt hàng thuốc. Số đăng ký thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài là tương đương nhau, cho dù số đăng ký thuốc nước ngoài có nhỉnh hơn. Tổng trị giá thuốc sản xuất trong nước mỗi năm tăng 10,57 - 24,45%.
Tuy nhiên, tổng trị giá tiền thuốc sử dụng đang bị giảm dần trong các năm gần đây (từ 52,85% năm 2007 xuống còn 47,82% năm 2011). Tỷ lệ sử dụng thuốc Việt tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng rất thấp và càng lên bệnh viện tuyến trên, tỷ lệ sử dụng thuốc Việt càng giảm. Cụ thể, bệnh viện tuyến huyện đạt 61,5%, tuyến tỉnh đạt 33,9%, tuyến trung ương chỉ 11,9%.
Các bác sĩ kê đơn sẽ quyết định lớn trong việc khuyến khích người dân sử dụng thuốc nội.
“Chất lượng thuốc nội ngày càng tăng cao trong khi giá thành lại rẻ hơn thuốc ngoại cùng loại khá nhiều. Do đó, khi tỷ lệ thuốc sản xuất cung ứng vào bệnh viện tăng lên, đồng nghĩa với việc giảm số tiền mua thuốc và giảm cả tổng chi phí cho ca điều trị nói chung.
Hơn 70% dân số Việt Nam ở vùng nông thôn vẫn đang hết sức khó khăn. Họ chỉ cần có đủ thuốc để chữa khỏi bệnh chứ không nhất thiết phải dùng biệt dược ngoại đắt tiền” – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Tựu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cũng cho biết: “Thuốc sản xuất ra muốn tiêu thụ được phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống khám chữa bệnh. Do đó, muốn thay đổi được tỷ lệ dùng thuốc Việt thì phải thay đổi việc kê đơn của các bác sĩ”.
Tuy nhiên, có một số “bài toán” rất khó giải khiến nhiều bác sĩ vẫn kê đơn thuốc ngoại, cho dù chỉ chữa các bệnh thông thường. Đó là việc các đơn vị nhập thuốc ngoại ăn chia hoa hồng cho bác sĩ, do đó, bác sĩ vẫn “mạnh tay” kê thuốc ngoại.
Chưa có cơ chế khuyến khích
Hiện Việt Nam có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược tham gia sản xuất thuốc y học cổ truyền.
Theo ông Tựu, hiện nay, ngành dược Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn: Giá đầu vào tăng cao nhưng giá bán sản phẩm không tăng hoặc tăng không tương xứng do phải giữ bình ổn giá thuốc. Nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc vẫn phải nhập khẩu (90%) nên giá nguyên liệu phụ thuộc vào biến động giá thế giới…
Công nghệ sản xuất chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc gốc, ít quan tâm đến sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách của Việt Nam chưa hỗ trợ cho công ty dược trong nước, thậm chí khiến doanh nghiệp trong nước thiệt thòi. Cụ thể như phí đăng ký thuốc nước ngoài bằng với đăng ký thuốc trong nước (200USD/sản phẩm). Trong khi đó, chi phí đăng ký thuốc của Việt Nam vào các nước rất cao như ở Nga là 3.000-5.000USD/sản phẩm.
“Do mức đăng ký thấp nên rất nhiều hãng dược ở các nước đang phát triển đổ xô vào Việt Nam, dẫn đến việc các công ty dược trong nước phải cạnh tranh gay gắt” - ông Tựu nói.
Hiện chưa có văn bản nào quy định các cơ sở khám chữa bệnh phải đẩy mạnh kê đơn thuốc nội, cũng chưa có cơ chế ưu đãi thuốc nội khi đấu thầu vào bệnh viện. “Nếu chỉ nói miệng, vận động khuyến khích thì việc đẩy mạnh tỷ lệ sử dụng thuốc nội sẽ rất chậm” – ông Tựu cho biết.
Theo Linh Hồng - Danviet.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]