Tuy nhiên, để có được 1 kg sá sùng, những nông dân ven vùng biển Vân Đồn phải vất vả, đầu đội nắng, chân dầm cát bùn kiếm tìm từng con một.
Vác mai đội nắng đào sá sùng mưu sinh
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quan Lạn Phạm Văn Thuận, sá sùng chỉ có ở vùng bãi bồi cát ven biển nơi có nước biển lên cao và rút cạn trong ngày. Nghề đào bắt sá sùng (người dân Quan Lạn còn gọi sá sùng là mồi) có từ lâu đời. Mỗi kilogam sá sùng khô có giá trị tương đương với một chỉ vàng.
Nghề đào, chế biến sá sùng đã thực sự đem lại nhiều nguồn lợi cho hàng trăm gia đình nông dân ở xã Quan Lạn. Cuộc sống của họ nhờ đó mà cũng bớt đi khó khăn ở nơi đảo xa. Người đào sá sùng đa phần là các bà, các chị phụ nữ trên đảo.
Khoảng 8h sáng, khi cái nắng bắt đầu lên cao cũng là lúc chị Từ Thị Dương chân đeo ủng, khăn kín mặt, đầu đội nón, tay vác mai đi ra bãi Đầu Dộc của đảo Quan Lạn để đào mồi. Chị Dương cho hay, công việc đào sá sùng ở trên bãi bồi ven biển, dưới cái nắng gay gắt nên phải “nai nịt” gọn gàng mới đảm bảo sức khỏe đi đào trong nhiều giờ đồng hồ. Mặc dù cái nắng gay gắt ngoài trời, nhiều phụ nữ đảo Quan Lạn vẫn cặm cụi tìm tổ, đào kiếm sá sùng trên bãi bồi cát để mưu sinh.
Anh Phạm Văn Nuôi, ở thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn, là một trong số ít ỏi đàn ông đi đào sá sùng cho biết, các khó nhất là mắt phải tinh, nhìn đúng tổ, tay phải nhanh, chân phải khỏe đạp mai cắm thật sâu để chặn con mồi không để nó lẩn xuống sâu trong lòng cát. Anh Nuôi giải thích mồi là loại thân mềm, nhưng chúng lẩn rất nhanh trong cát mỗi khi tổ bị động. Nhiều người mới vào nghề, cả ngày dù đào hàng trăm nhát, trăm tổ mà chưa nổi một lạng, chẳng đủ lượng để bán cho người thu gom.
Thậm chí người mới vào nghề do non kinh nghiệm nên thường đào đứt thân con mồi, nên giá trị thương mại rất ít. Tuy nhiên, với những người có tay nghề cao như anh Nuôi, ngày ít đào được 1-2 kg, ngày nhiều có thể lên tới 4 kg, bán tươi cũng được gần 1 triệu đồng.
Chị Hứa Thị Thiêm, ở thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn làm nghề thu gom sá sùng cho biết, giá mỗi cân sá sùng tươi mua tại bãi bồi khoảng 260.000-300.000 đồng, tùy theo loại nhỏ, to khác nhau. Nếu sá sùng được phơi, sấy khô sẽ có giá trị cao hơn. Chị Thiêm cho biết, sau khi thu mua, sá sùng được rửa sạch cát, đem trần nước sôi rồi đem sấy bằng bếp than. Sấy bằng bếp than tổ ong thì sá sùng khô nhanh và cho mẫu mã đẹp nhất, thời gian sấy chỉ chừng 2 giờ đồng hồ. Sá sùng sau khi sấy khô là có người đến thu mua ngay với giá 3 triệu đồng, trừ chi phí đi cũng được 800.000-900.000 đồng/kg khô.
"Cấm" yếu không bằng "quản" tốt
Ông Phạm Văn Quang, Trưởng Phòng bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản thuộc Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh, cho biết từ xưa đến nay, việc người dân khai thác sá sùng ở các bãi bồi ven biển là hoàn toàn tự phát, chưa có bất kỳ sự quản lý nào của chính quyền địa phương, cũng như của cơ quan chức năng của tỉnh.
Ông Quang nói thêm Quảng Ninh có nhiều sá sùng chạy dài từ Quảng Yên đến địa đầu Móng Cái, nhưng nhiều nhất là ở 2 địa phương là Đầm Hà và Vân Đồn, trong đó sá sùng Vân Đồn là có chất lượng tốt hơn cả. Riêng vùng Quan Lạn - Minh Châu có tới hơn 1.500 ha bãi bồi ven biển có sá sùng chất lượng cao. Tuy nhiên, tất cả các bãi bồi trên không có bất kỳ ai đứng ra quản lý.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quan Lạn (Vân Đồn) Lưu Thành Viên cho biết, vào năm 2012, một số người đã mang máy hút, sục ra các bãi bồi đào hút sá sùng và các loại nhuyễn thể khác gây nguy cơ tật diệt nguồn lợi thủy sản cao. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn nên tình trạng này không còn nữa.
Theo ông Quang, Quảng Ninh cần sớm chủ động giao các bãi bồi ven biển cho cộng đồng địa phương tự tổ chức quản lý và khai thác. Khi đó, người dân sẽ tự lập ra các tổ, các ban quản lý quy định thời điểm khai thác, số lượng khai thác cụ thể. Như vậy, người dân sẽ tạo ra được sản lượng khai thác cao, nhưng đồng thời cũng bảo vệ loài sá sùng tốt hơn.
Trong khi đó, ngày 5/11/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra Thông tư số 01/2011-BNNPTNT, đưa sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, có thứ hạng nguy cấp (VU) cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Như vậy, căn cứ theo Điều 7 của Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản thì mức phạt một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng lớn, có thứ hạng sẽ nguy cấp (VU) phạt tiền từ 5-40 triệu đồng tùy theo khối lượng thủy sinh từ dưới 10 kg đến trên 30 kg.
Theo ông Quang, sá sùng bị đưa vào danh mục có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Việt Nam sẽ làm khó cho các ngành quản lý nhà nước, bởi thực tế rất khó cấm người dân đi đào sá sùng vì đó là nguồn mưu sinh chủ yếu của nhiều hộ dân ven biển. Thêm vào đó, nguồn trữ lượng sá sùng ở Quảng Ninh còn khá nhiều, sản lượng khai thác chưa đạt mức độ nguy cấp về sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản loại này.
Ông Quang cũng cho rằng nên giao các bãi bồi có sá sùng cho cộng đồng quản lý để người dân có thể mưu sinh, đồng thời quản lý tốt hơn nguồn lợi thủy sản quý. Tới đây, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ tham mưu cho tỉnh kiến nghị với các cơ quan chức năng trung ương sớm có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn ở Quảng Ninh về công tác quản lý, bảo vệ nguồn sá sùng biển.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]