Theo thông tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 8, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng đều giảm so với tháng 7 do bước vào tháng Ngâu, nhiều công trình chưa khởi công đồng thời cũng là mùa mưa trong miền Nam nên nhu cầu xây dựng thấp. Tuy nhiên, vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tình hình sản xuất tháng 8 ước đạt 520.900 tấn, giảm 91.984 tấn (-15%) so với tháng 7 và tăng 79.396 tấn (+18%) so với cùng kỳ năm 2014. Ước 8 tháng đạt 4,16 triệu tấn, tăng 880.975 tấn (+26,8%) so với cùng kỳ năm 2014.
Tình hình tiêu thụ, ước tháng 8 đạt 470.000 tấn, giảm 52.099 tấn (-10%) so với tháng 7 và tăng 62.269 tấn (+15,3%) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đạt 3,04 triệu tấn, tăng 703,762 tấn (+21%) so với cùng kỳ năm 2014.
Tồn kho cuối tháng 8 thép thành phẩm là 405.000 tấn, tăng 5,6% so với tháng 7 và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014.
Về kim ngạch nhập khẩu, nhập khẩu thép các loại tháng 8 đạt 1,65 triệu tấn, giảm 4% so với tháng 7 và tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước 8 tháng năm 2015 nhập khẩu thép đạt 10,1 triệu tấn, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, nhập phôi đạt 250.000 tấn, tăng 9,1% so với tháng 7 và tăng 669,7% so với cùng kỳ năm 2014. Giá nhập khẩu bình quân đạt 344USD/tấn, giảm 2,8% so với tháng 7 và giảm 35% so với cùng kỳ năm 2014. Ước 8 tháng đạt 1,05 triệu tấn, tăng 272% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhập khẩu phế liệu thép tháng 8 đạt 400.000 tấn, giảm 3,6% so với tháng 7 và tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2014. Giá nhập khẩu bình quân đạt 270 USD/tấn, tương đương so với tháng 7 và giảm 27,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng đạt 2,21 triệu tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo số liệu báo cáo từ Hiệp hội Thép, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu số 1 thép của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 5.003.543 tấn, trị giá khoảng 2,4 tỷ USD, chiếm 59% tỷ trọng nhập khẩu của cả nước, tăng 75,9% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2014.
Hiệp hội Thép cho hay, sau động thái của Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới rộng biên độ tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ từ +/-1% lên +/-2% song đối với sản phẩm thép, dù chưa đánh giá cụ thể song vẫn phải cạnh tranh với các sản phẩm thép thành phần giá rẻ từ Trung Quốc như tôn mạ KL&SPM, thép xây dựng...
Đánh giá về tình hình sản xuất, bán hàng thép trong tháng 8, theo Hiệp hội Thép, thị trường thép trong nước bước vào mùa mưa, tháng kiêng kỵ các hoạt động xây dựng (tháng 7), tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất và bán hàng sản phấm thép các loại, đặc biệt là thép xây dựng vẫn ở mức tăng trưởng khá.
"Trước việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, các nhà sản xuất thép trong nước thời gian tới vẫn phải tiếp tục đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, và sức ép từ nguồn cung dư thừa từ các nhà Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu", Hiệp hội Thép cảnh báo.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]