Thép Bo chiếm 50%
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy trong năm qua, lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm trước đó (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay). Điều đáng nói là trong 11 triệu tấn thép nhập khẩu các loại thì trong đó có đến 4,78 triệu tấn thép Bo. Thép Bo này khi vào Việt Nam được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1-2 triệu đồng/tấn. Đây là loại thép có chất lượng thấp nên khi đưa vào xây dựng sẽ không bảo đảm an toàn.
Chưa hết, thép Trung Quốc giá rẻ còn tràn sang các nước Đông Nam Á ngày càng nhiều, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2014, thép Trung Quốc các loại nhập vào Việt Nam khoảng 5,3 triệu tấn, tăng 66,1% so với với năm trước đó. Thép Trung Quốc còn tấn công mạnh vào các nước ASEAN. Được biết năm 2009, thép Trung Quốc xuất sang khu vực này là 4,13 triệu tấn thì đến năm 2010 tăng mạnh lên 7,68 triệu tấn (những năm sau đó tiếp tục tăng cao).
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, vấn đề này đã được Hiệp hội Thép Đông Nam Á (AISC) cảnh báo và đã có động thái kiến nghị đến Vụ Kinh tế - Thương mại quốc tế (Bộ Thương mại Trung Quốc), Bộ Thương mại Thái Lan, Ban Thư ký ASEAN về Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nêu rõ vấn đề xuất khẩu thép của Trung Quốc đã ồ ạt tràn sang các nước Đông Nam Á từ khi chính thức thi hành ACFTA vào tháng 1-2010 đã gây tổn hại cho ngành công nghiệp thép của các nước ASEAN.
Áp lực
Nhiều doanh nghiệp thép trong nước cho rằng nhà nước cần nhanh chóng áp thuế cho loại thép Bo này giống như các loại thép khác để tránh tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt (Pomina), cho biết với tình hình sức tiêu thụ thép yếu trong nhiều năm qua trong khi thép Bo tràn vào cạnh tranh khốc liệt đã làm ảnh hưởng đến ngành thép trong nước. Hiện các doanh nghiệp thép phải tự “bơi” để tồn tại. Vấn đề này cần Bộ Công Thương và các ban, ngành vào cuộc có biện pháp giải quyết.
Do lượng thép nhập khẩu lớn, trong đó có đến 50% là thép Bo đã dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, trong khi tình hình kinh tế còn khó khăn, sức tiêu thụ thép yếu nên nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất sản xuất. Được biết có nhiều nhà máy thép lớn trong nước phải giảm công suất đến 60%-65%. Việc giảm công suất đã tác động đến chi phí sản xuất, đẩy giá thành tăng cao gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như giá thành cao cạnh tranh khó khăn với hàng ngoại nhập. Nhiều nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh phải tạm đóng cửa hoặc giải thể.
Theo giới kinh doanh, sức tiêu thụ thép hiện nay vẫn trong tình trạng ì ạch. Thị trường bất động sản, dự án an sinh xã hội, công trình công cộng chưa đủ sức kéo sức tiêu thụ thép tăng lên được. Để kéo sức tiêu thụ thép trong thời gian tới tăng cần phải xúc tiến các chính sách an sinh xã hội, có chính sách cụ thể rõ ràng cho thị trường bất động sản. Tránh tình trạng chính sách chung chung, không đi vào cuộc sống, không ai chịu trách nhiệm.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]