Để đảm bảo đúng lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học (E5) với nhiên liệu truyền thống, Chính phủ yêu cầu 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM phấn đấu đến ngày 1/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, đến ngày 1/6/2016 đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Đồng thời, tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng khoáng RON 92 nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5.
Trên thực tế, sau hơn 1 năm triển khai cung cấp xăng E5 ra thị trường, tại một số địa phương lượng tiêu thụ xăng E5 còn rất hạn chế. Nguyên nhân được các đại lý đưa ra là do chuyển sang bán xăng E5 phải đầu tư thêm bồn, trụ xăng trong khi lượng tiêu dùng nhỏ cùng với mức chiết khấu thấp khiến cho điểm cung cấp xăng E5 còn quá ít. Trong khi đó, giá xăng E5 hiện nay chỉ thấp hơn xăng khoáng truyền thống RON 92 từ 400 - 500 đồng/lít nên chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng.
Không chỉ các cửa hàng bán xăng gặp khó khăn trong tiêu thụ, các doanh nghiệp đầu mối cũng gặp trở ngại trong quá trình chuyển đổi sang kinh doanh xăng E5 như đầu tư các trạm pha chế, phối trộn xăng E5 tốn nhiều kinh phí, lợi nhuận xăng E5 không nhiều, những lúc giá xăng, dầu thế giới xuống thấp thì các đơn vị này bị lỗ từ 200 - 300 đồng/lít.
Trước thực tế đó, chủ trương thay thế hoàn toàn xăng khoáng truyền thống bằng xăng sinh học E5 từ ngày 1/6 tại 8 tỉnh, thành phố như Chính phủ đề ra được một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng vẫn khó có được diễn biến thuận lợi.
Theo TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; Văn bản số 173/TB-VPCP về phương án giá xăng sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn… cũng vẫn chỉ là khuyến khích, không bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng xăng sinh học E5.
“Trên thực tế, Chính phủ cũng không thể bắt buộc người tiêu dùng phải sử dụng xăng E5, bởi theo quy định của Nghị định 83, việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường và theo các nguyên tắc của thị trường, người tiêu dùng có quyền được lựa chọn và sử dụng xăng theo sở thích và nhu cầu”, TS. Bình viện dẫn.
Cũng theo TS. Đoàn Văn Bình, trong bối cảnh giá xăng dầu hiện nay, các nhà phân phối xăng dầu thực hiện việc nhập khẩu xăng truyền thống khá dễ dàng và đơn giản… Ngược lại, để đầu tư công nghệ phối trộn xăng E5 lại khá phức tạp, điều này đã dẫn đến việc: Dù đã trích tăng thêm tỷ lệ hoa hồng tới hơn 200 đồng/lít xăng E5 cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ nhưng vẫn không tăng thêm được lượng cầu của người tiêu dùng.
Hơn nữa, với loại nhiên liệu truyền thống là xăng khoáng RON92 đang được bán song hành với xăng E5 nhưng lại có giá bán khá thấp như hiện nay thì người tiêu dùng sẽ không thực sự mặn mà với loại xăng E5.
Do đó, TS. Đoàn Văn Bình cho rằng, nếu xác định xăng E5 là loại nhiên liệu cần phải được ưu tiên, nhà nước cần phải có chính sách cho riêng loại xăng này. Nếu không có cơ chế bù lỗ và trong khi thị trường chưa cho phép, chưa đủ điều kiện hãy nên lùi việc thực hiện lộ trình để giảm sức ép đầu tư của doanh nghiệp phân phối xăng dầu.
Ở một khía cạnh khác, với vai trò là cơ quan giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, nguồn Ethanol (phụ gia nhiên liệu pha trộn vào xăng thay phụ gia chì) sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng tiêu thụ của người tiêu dùng, do đó sản lượng của E5 vẫn là một ẩn số.
Ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm bán xăng E5 thì việc cung cấp Ethanol là không đáng ngại. Tuy nhiên, khi cần triển khai với khối lượng lớn thì vẫn phải có những biện pháp để đảm bảo nguồn cung Ethanol.
Theo ông Thắng, là doanh nghiệp kinh doanh nên Petrolimex cũng mong muốn được đảm bảo nguồn cung. Hiện Petrolimex đã có 2 nguồn cung cấp xăng E5 từ các điểm phối trộn do Tập đoàn tự xây dựng, cùng với nguồn khác là được sự hỗ trợ của phía Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, như vậy sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cấp xăng E5 đáp ứng cho công tác kinh doanh của Petrolimex trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 83, có rất nhiều loại hình phân phối như đại lí, tổng đại lí, thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ... Thương nhân phân phối lại được quyền mua của nhiều đơn vị, cho nên nếu chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 đầu mối sẽ không thể đảm bảo chắc chắn cung cấp xăng E5 cho cả hệ thống.
Do đó, để thực hiện được lộ trình cung cấp rộng rãi xăng E5 ra thị trường, trong khi xăng dầu vẫn là mặt hàng nhà nước định hướng quản lý, ông Thắng cho rằng, khi triển khai triển khai rộng rãi ở địa bàn lớn hơn, sản lượng lớn hơn thì buộc phải xây dựng giá cơ sở hợp lý cho xăng E5 để đảm bảo vừa minh bạch vừa đảm bảo kết quả kinh doanh hợp lý đối với các nhà tổ chức kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần sử dụng đồng bộ nhiều công cụ giá, thuế và phí để có những đòn bẩy, kích thích nhu cầu cho người tiêu dùng bằng cách giảm giá và xây dựng giá cơ sở với chi phí hợp lý để đảm bảo khuyến khích cho những nhà kinh doanh xăng dầu tích cực hơn trong kinh doanh xăng E5.
Tương tự như vậy, việc tổ chức kinh doanh xăng E5 phải được thực hiện một cách quyết liệt, được sự cổ vũ của các đơn vị tổ chức kinh doanh tham gia trong hệ thống phân phối. Đặc biệt, khi người tiêu dùng thấy được hưởng lợi và được đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật, sản lượng tiêu thụ xăng E5 chắc chắn sẽ tăng lên, khi đó lộ trình tiêu thụ xăng E5 mới có thể đạt được theo tiến độ đã đề ra./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]