Chưa có quy định về quản lý, kinh doanh sữa
Ngày 4/10/2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư 30 quy định danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Tuy nhiên, sữa chẳng theo đó giảm mà còn đua nhau tăng giá.
Lý giải về vấn đề này ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng: “Đối với mặt hàng sữa, hiện vẫn chưa có Nghị định nào về quản lý, kinh doanh sữa. Sữa chỉ là một mặt hàng nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn, chịu điều tiết chung, thực hiện theo quy định chung của Luật Giá”. Vì thế “Đây là một vấn đề khó của kiểm soát giá sữa".
Thêm nữa, phần lớn doanh nghiệp nhập nhập khẩu sữa lại thuộc tư nhân không chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, nên giá sữa được doanh nghiệp kê khai tới Bộ chỉ là giá bán buôn, còn thực tế giá bán lẻ có thể chênh lệch gấp nhiều lần.
Liệu có thể giải quyết triệt để tình trạng tăng giá sữa (Ảnh: soha).
Cũng từ việc không chịu sự quản lý của Nhà nước mà có doanh nghiệp còn tự ý tăng giá sữa khi chưa đăng ký giá và chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý. Cụ thể như trường hợp Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã cho tăng giá từ 5%-9% đối với 11 mặt hàng từ ngày 31/1 khi chưa được sự đồng ý của Bộ Tài chính.
Mặt hàng sữa luôn có sự cạnh tranh gay gắt, cộng thêm việc chưa có một quy định cụ thể về giá và kiểm soát được các khâu phân phối, các khâu trung gian nên mỗi năm doanh nghiệp sữa cả nội và ngoại lại tăng giá thêm vài phần trăm để qua mặt cơ quan quản lí. Còn người tiêu dùng mua vẫn phải mua.
Kiểm tra kéo dài, thiệt hại vẫn là người tiêu dùng
Cách đây vài ngày, việc bốn doanh nghiệp sữa lớn là Vinamilk, Mead Johnson VN, Nestle VN, Friesland Campina VN cùng tăng giá khiến cho người tiêu dùng hoang mang.
Động thái nâng giá cùng một thời điểm, đang được dư luận nghi ngờ là bốn ông lớn trên liên kết, bắt tay nhau theo tiêu chí cạnh tranh thỏa thuận. Cho ý kiến về động thái này, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 3/3, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết : “Chúng tôi đang phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên để kiểm tra việc tăng giá sữa. Vì thế, chưa có kết luận cụ thể là có hành vi cấu kết để tăng giá hay không, có bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm. Nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm, chúng tôi sẽ chính thức đề nghị cơ quan điều tra ra quyết định điều tra sơ bộ”. Và theo ông Nam quá trình điều tra sơ bộ sẽ diễn ra trong 30 ngày, điều tra chính thức trong vòng 180 ngày. Tuỳ từng vụ việc, sẽ cho phép gia hạn.
Chưa có quy định rõ ràng về quản lý kinh doanh sữa nên việc đưa ra kết luật của các cơ quan chức năng theo trình tự pháp lý sẽ phải cần có thời gian, còn người tiêu dùng vẫn phải mua sữa. Cuối cùng thiệt hại vẫn chính là người tiêu dùng.
Theo Thanh Huyền - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]