Vẫn biết là mức cước 3G ở Việt Nam so với các nước trên thế giới và trong khu vực là thấp hơn rất nhiều song việc tăng giá đó ở Việt Nam vẫn là bất hợp lý.
Ngày 8/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi họp báo để phản hồi về một số vấn đề dư luận quan tâm xung quanh việc tăng giá cước 3G. Tuy nhiên, câu hỏi mà mọi người quan tâm nhất là ba nhà mạng lớn có “bắt tay” với nhau tăng giá hay không, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, hiện vẫn chưa rõ kết luận cuối cùng của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương.
Người tiêu dùng chịu thiệt vì giá cước 3G tăng đột biến.
Việc ba nhà mạng cùng tăng cước, mức giá và dung lượng gói cước chính cho thấy có dấu hiệu về việc có thỏa thuận tăng giá cước. Điều 11 Luật Cạnh tranh quy định như sau:
“Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường:
1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.”
Tại mục 2, Điều 11, Luật Cạnh tranh có quy định là: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên”, trong khi đó ba doanh nghiệp viễn thông đó chiếm tới 97,3% thị trường viễn thông nước ta.
Việc Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin Truyền thông đã có các công văn số 1263/CVT-GCKM, 1264/CVT-GCKM và 1265/CVT-GCKM chấp thuận đăng ký giá cước dịch vụ truy nhập Internet thông tin di động của các doanh nghiệp đã vi phạm Điều 6, Luật Cạnh tranh về các hành vi bị cấm đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 6 Luật Cạnh Tranh quy định rõ về các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước như sau: "Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:
1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;
3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;
4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp."
Có hay không việc ba doanh nghiệp lớn là Vinaphone, MobiFone, Viettel cùng “bắt tay” thỏa thuận tăng giá, Cục Quản lý cạnh tranh đang phối hợp chặt chẽ với Cục Viễn thông để xác minh, tiến hành thu thập chứng cứ, trường hợp phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm của ba doanh nghiệp sẽ xử lý theo đúng pháp luật.
Theo Kim Linh - Doisongphapluat.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]