Báo cáo tài chính năm 2015 do Điện máy Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) vừa công bố cho rằng, hãng này đang xếp thứ 2 thị trường điện máy với khoảng 8% thị phần, doanh thu khoảng 4.400 tỷ đồng. Nguyễn Kim tiếp tục dẫn đầu với thị phần 12%, còn đứng thứ 3 là Điện máy Chợ Lớn với 7,5% thị phần.
Qua số liệu trên, nhiều người lo ngại Nguyễn Kim đang sa sút và bị những đại gia lấn át bởi hơn 1 năm sau khi bán 49% cho Central Group (Thái Lan). Nguyễn Kim vẫn “án binh bất động” dù trước đó, hãng này tuyên bố sẽ nâng chuỗi siêu thị của mình lên con số 50 vào năm 2020.
Tái khởi động cuộc đua mở chuỗi
Thị trường bán lẻ điện máy đang có sự cạnh tranh quyết liệt khi các “ông lớn” đồng loạt mở rộng hệ thống, gia tăng thị phần.
Nguyễn Kim không bàn luận gì về những con số Điện máy Xanh đưa ra, vì năm tài chính của Nguyễn Kim kết thúc vào tháng 3/2016 nên phải đến đầu tháng 4 mới có số liệu chính thức. Tuy nhiên, theo đại diện nhà bán lẻ này, doanh thu của hãng năm 2015 vẫn tăng trưởng trên 20%. Hãng bán lẻ này cũng cho biết, sở dĩ không mở thêm siêu thị mới trong năm 2015 là do đang tập trung tái cơ cấu, bước sang năm 2016 này sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới mới.
Theo các doanh nghiệp (DN) bán lẻ điện máy, sau thời gian dài ảm đạm, từ cuối năm 2015, thị trường này đã có nhiều tín hiệu tốt. Tăng trưởng của các hệ thống điện máy lớn đều đạt từ 15% đến trên 20%. Tết Nguyên đán vừa rồi, sức mua thị trường rất tốt, càng củng cố quyết tâm tái khởi động cuộc đua mở rộng hệ thống nhằm giành giật thị phần.
Cụ thể, hệ thống Đệ Nhất Phan Khang đã khởi động 3 dự án, đến cuối năm nay sẽ nâng tổng số trung tâm điện máy Phan Khang lên con số 16 và làm mới một số shop có sẵn ở tỉnh. Đang sở hữu 6 trung tâm điện máy và 1 trung tâm mua sắm trực tuyến, Thiên Hòa dự kiến sẽ mở thêm 9 trung tâm trong năm 2016, nâng tổng số lên 15 ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Bành trướng mạnh nhất phải kể đến Điện máy Xanh với 91 siêu thị trên toàn quốc và sẽ mở thêm khoảng 70 siêu thị trong năm 2016. Ngay cả Điện máy Trần Anh ở khu vực phía Bắc cũng dự định “Nam tiến” trong năm 2016, dự kiến sẽ mở 30-40 siêu thị ở TP HCM. Không chỉ dồn lực mở rộng độ phủ, các DN còn tập trung vào chiến lược cốt lõi để gìn giữ thương hiệu, phát triển thị phần.
Dịch vụ kém là mất khách
Theo các DN bán lẻ điện máy, hiện nay, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã kéo lợi nhuận ngành giảm còn 7%-10%. Các nhà bán lẻ chịu áp lực doanh số từ nhà sản xuất, nếu không đạt doanh số sẽ mất ưu đãi chiết khấu. Khi cần, DN có thể bán huề vốn hoặc chấp nhận lãi rất thấp. Chạy đua giảm giá trở thành chuyện hằng ngày và không bao giờ kết thúc. Cái đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận, DN phải cân đối chi phí, quản trị tốt mới sống được. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống Thiên Hòa, cho rằng DN lãi hay lỗ liên quan đến bài toán chi phí chứ không phải do khuyến mãi.
“Nhà sản xuất không cho phép nhà bán lẻ bán phá giá nên các chương trình khuyến mãi luôn được đo đếm rất kỹ. Những chính sách giảm giá sâu, những đợt xả hàng của các siêu thị điện máy chủ yếu thực hiện trên các mặt hàng bỏ mẫu (qua model). Bản thân hãng sản xuất giảm giá sâu, nhà phân phối tiếp tục cắt giảm lợi nhuận từ chiết khấu để 'đạp' giá nhằm giải quyết hết hàng tồn. Trường hợp thứ hai là lô hàng độc quyền, cắt lô số lượng lớn, đã bán được 70%-80% nên giảm giá tối đa để thu hồi vốn” - ông Hậu lý giải.
Cũng theo nhà bán lẻ này, cạnh tranh trong giai đoạn mới, giá cả là dựa theo giá chuẩn của nhà sản xuất. DN này có thể có thêm chương trình rút thăm trúng thưởng... nhưng quan trọng nhất là hơn thua nhau ở chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, các DN tập trung rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ hậu mãi. Hệ thống trung tâm chăm sóc khách hàng call center, dịch vụ giao hàng, lắp đặt, chăm sóc khách hàng sau khi lắp đặt, sửa chữa, chính sách mua hàng trả góp, đổi trả hàng hóa... và cả thuận tiện hóa việc thanh toán của khách hàng được các DN đầu tư đẩy mạnh.
Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Trung tâm Điện máy Phan Khang, cho rằng 2-3 năm gần đây, tầng lớp trung lưu của Việt Nam gia tăng, nhu cầu về dịch vụ cũng tăng lên. Nhóm khách hàng này luôn yêu cầu được phục vụ chu đáo, giao hàng đúng hẹn, bảo hành nhanh, nhân viên giao hàng tương tác tốt, nhiệt tình...; còn người tiêu dùng bình dân thì chỉ yêu cầu giá tốt. Vì vậy, nếu phục vụ không tốt hoặc nhân viên tổng đài tiếp điện thoại không nhiệt tình, nhã nhặn là có thể mất khách.
Ngoài ra, kênh bán hàng online với mức tăng trưởng 50%-70% trong 2 năm trở lại đây cũng đang được các DN đầu tư mạnh. Kênh online đang có nhiều lợi thế phát triển, vừa phục vụ thói quen mua sắm qua mạng đang hình thành trong một bộ phận cư dân thành thị, vừa tiết kiệm được chi phí nhân viên, mặt bằng, quản lý...
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống Thiên Hòa: Miếng bánh thị trường còn rất lớn Kênh bán lẻ hiện đại ngành điện máy mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường TP HCM, miếng bánh thị trường còn rất lớn để các DN khai thác. Mặc dù vậy, các DN vẫn “đánh” về ngoại thành, vùng ven và các tỉnh nhằm định hướng tiêu dùng, kéo khách hàng làm quen với mô hình mua sắm hiện đại, chuyên nghiệp và quy mô lớn. Cạnh tranh càng gay gắt, người tiêu dùng càng được hưởng lợi nhiều hơn. Sắp tới, TPP có hiệu lực, hàng hóa từ các nước TPP vào Việt Nam được giảm thuế, giá bán sẽ ít nhiều giảm theo. Kế đến, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các chuỗi hệ thống bán lẻ điện máy. Mua bán sáp nhập là xu hướng tất yếu. Bản thân Thiên Hòa cũng nhận được một số đề nghị từ đối tác nước ngoài nhưng chưa nghĩ đến việc hợp tác. Các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản trị tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN Việt Nam. Ngay cả việc cạnh tranh với các DN nước ngoài cũng phần nào giúp DN Việt Nam trưởng thành hơn. DN trong nước mặc dù gặp khó khăn về tài chính so với tập đoàn nước ngoài nhưng rất tự tin vì hiểu người tiêu dùng Việt Nam. Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing hệ thống Nguyễn Kim: Bổ sung cơ cấu hàng Sau hơn 1 năm tái cấu trúc, ổn định kinh doanh và thăm dò thị trường, năm 2016, Central Group sẽ đưa vào hệ thống phân phối Nguyễn Kim một số mặt hàng, trong đó có nhóm sản phẩm phục vụ gia đình và văn phòng. Góp mặt của những nhóm hàng mới sẽ gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng, khả năng cạnh tranh cho Nguyễn Kim. Kênh online sẽ được tận dụng triệt để để kinh doanh những nhóm hàng mới này. Song song đó, Nguyễn Kim sẽ sắp xếp lại các siêu thị hiện hữu, dành diện tích cho nhóm hàng mới. Giải pháp xây dựng trung tâm lớn, kinh doanh phức hợp cũng được tính tới. Tuy nhiên, tỷ lệ nhóm hàng mới chiếm bao nhiêu phần trăm, thời điểm nào sẽ triển khai cụ thể thì còn tùy thuộc vào quyết định của ông chủ Thái Lan. Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Đệ Nhất Phan Khang: Xu hướng sáp nhập sẽ gia tăng Trong lĩnh vực điện máy, hàng Thái Lan đã có mặt tại Việt Nam từ lâu. Ngoài ra, hiện 60%-70% sản phẩm điện máy trên thị trường là của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam nên trong tương lai gần, bức tranh thị trường điện máy vẫn ổn định. Sẽ không có sự xuất hiện của các DN mới mà chủ yếu là xu hướng mua bán sáp nhập, một số DN sẽ phất lên, một số DN không trụ được sẽ rời cuộc chơi. Từ năm 2015, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi. Người tiêu dùng không còn chuộng sản phẩm giá cao, thương hiệu lớn mà chọn mua sản phẩm chất lượng, giá phải chăng để tiết kiệm chi phí. Đệ Nhất Phan Khang cũng điều chỉnh cơ cấu hàng để phù hợp với nhu cầu khách. Chúng tôi cũng đang tiên phong mở thêm mảng kinh doanh hệ thống chiếu sáng, bao gồm cả chiếu sáng công cộng, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh. Đông Nghi ghi |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]