Thị phần sản phẩm VLXD made in Việt Nam đang bị thu hẹp mạnh.
Qua khảo sát một số các tuyến phố kinh doanh VLXD tại Hà Nội như Cát Linh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ... thì thấy đối với mặt hàng gạch ốp lát giá bán thấp hơn so với hàng sản xuất trong nước giảm từ 20 đến 40%
Một chủ một cửa hàng chuyên cung cấp sỉ, lẻ các mặt hàng gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh trên đường Trường Chinh nhận xét: “Ngoài ưu thế giá rẻ, gạch ốp lát xuất xứ Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, màu sắc so với các mặt hàng sản xuất trong nước. Do đó, dù muốn hay không, đa số cửa hàng vẫn bán hàng Trung Quốc”.
Bên cạnh giá rẻ, gạch ốp lát Trung Quốc nhái mẫu mã rất nhanh. Tốc độ ra mẫu mới, màu mới của hàng trong nước luôn chậm hơn so với hàng Trung Quốc.
Một trong những sản phẩm "ngốn" không ít tiền của người tiêu dùng là thiết bị vệ sinh. Tham khảo thị trường sứ vệ sinh, dễ dàng nhận thấy sự phân chia thị trường thành các tầng sản phẩm khá cách biệt.
Người nhiều tiền chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax… có giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một bộ sản phẩm.
Những sản phẩm "thuần Việt" như Thiên Thanh, Dona, Viglacera... được nhiều người tiêu dùng đón nhận vì giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hàng Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt, bởi hàng Trung Quốc khi thị trường lại đang tràn ngập hàng sứ vệ sinh dạng này với kiểu dáng đẹp, hiện đại và giá hợp lý.
Chủ cửa hàng VLXD trên đường Hoàng Quốc Việt nhận xét: "Sản phẩm sứ vệ sinh của doanh nghiệp Việt Nam mới đơn thuần đáp ứng được công năng sử dụng và đang bị đẩy lùi xuống phân khúc trung bình và thấp. Song, ở phân khúc này, các DN Việt Nam lại phải cạnh tranh với hàng trôi nổi nhập từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng và chất lượng không được kiểm soát".
Ngoài ra, bằng những thủ đoạn tinh vi làm nhái các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Ceasar, American Standard… bằng mặt hàng gốm sứ Trung Quốc thu được nhiều lợi nhuận nhất.
Chẳng hạn loại bồn tắm bằng nhựa giá bán trên thị trường hiện nay từ 5 triệu - 10 triệu đồng/cái (trong khi giá vốn chỉ vài triệu đồng), bồn tắm có massage thì vô tư hét giá từ 10 triệu cho đến 30 triệu đồng/bộ, tùy loại “ấn tượng” cỡ nào, trong khi giá vốn không đến 5 triệu đồng.
Theo những nhà kinh doanh thiết bị vệ sinh cảnh báo, khách hàng hãy cẩn thận với hàng nhái. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhái, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc được làm rất tinh vi từ con tem tới kiểu dáng nhưng chất lượng thì không thể quản lý.
Sự vào cuộc của Hiệp hội ngành nghề sản xuất trong nước
Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA), hiện Trung Quốc sản xuất khoảng gần 9 tỷ m2 gạch ốp lát và trên 100 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, chiếm gần 80% sản lượng toàn thế giới. Cung của Trung Quốc đã vượt xa nhu cầu sử dụng nội địa.
Thông qua các con đường chính ngạch và tiểu ngạch, hàng gốm sứ Trung Quốc đã và đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam áp đảo cả thị trường gốm sứ nội địa.
Thực địa vấn đề này, trong tháng 10/2013 vừa qua, Vibca đã tổ chức đoàn khảo sát liên ngành đi khảo sát tình hình buôn lậu gạch ốp lát Trung Quốc tại các cửa khẩu vùng biên tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh. Thành phần đoàn khảo sát gồm Hiệp hội GSXD Việt Nam, đại diện Cục quản lý thị trường – Bộ Công thương, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại C/O – VCCI và Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.
Đoàn công tác đã làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, Chi cục QLTT TP Lạng Sơn, Chi cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Chi cục QLTT cửa khẩu Móng Cái, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển - Chi nhánh tại Hải Phòng.
Đoàn công tác làm việc với Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã tìm hiểu cách thức gian lận trên thực tế, hình thức gom hàng, vận chuyển, gian lận. Các cơ quan quản lý cũng chia sẻ những vụ việc buôn lậu, gian lận đã bị phát hiện và bắt giữ do không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan quản lý Hải quan, QLTT và Cảnh sát biển cũng đề xuất những giải pháp có tính thực tiễn để hạn chế và ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng gốm sứ xây dựng.
Ngoài ra, đoàn công tác cũng đi khảo sát một số đại lý vật liệu xây dựng để tìm hiểu thực tế mặt hàng gốm sứ xây dựng, đánh giá tỷ lệ gạch Trung Quốc và gạch Việt Nam trưng bày tại đại lý cũng như đánh giá toàn thị trường.
Nguy cơ buôn lậu và gian lận gia tăng không ngừng, cần sự vào cuộc sâu hơn nữa của nhiều ngành chức năng
Dựa vào mức sản lượng áp đảo, gạch Trung Quốc đang lấn sân vào nhiều thị trường quốc tế và liên tiếp vấp phải những rào cản từ thị trường đó. Trong bảng tin theo dõi về vấn đề điều tra chống bán phá giá do trung tâm C/O – VCCI thực hiện thì hầu hết các mặt hàng của Trung Quốc đều bị các nước trên thế giới điều tra và áp thuế. Với mặt hàng gạch ốp lát, mới đây nhất Trung Quốc bị Argentina áp dụng áp thuế chống bán phá giá, cụ thể như sau:
- Ngày 2/1/2013: Argentina khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng gạch, ngói, gốm sứ (ceramics, marbles, glass ceramic tile band)
- Ngày 29/1/2013: Argentina quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức mặt hàng gạch men của
Liên quan đến Việt Nam, ngày 26/3/2013 đại diện Hiệp hội GSXD Việt Nam đã tham dự buổi họp Hội đồng tư vấn cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O do Trung tâm C/O – VCCI tổ chức.
Buổi họp có sự tham dự của Cục Xuất nhập khẩu, Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và một số hiệp hội ngành nghề.
Tại cuộc họp, bà Trần Thu Hương – Giám đốc trung tâm C/O – VCCI đã báo cáo ngắn gọn những vụ việc liên quan tới vấn đề C/O diễn ra từ đầu năm 2013 đến nay. Đặc biệt trong lĩnh vực gạch ốp lát và gốm sứ xây dựng, Trung tâm C/O báo cáo đã có hai công ty của Việt Nam nhập gạch bán thành phẩm (phôi gạch) nhưng khai thuộc mã HS nguyên liệu và đã bị từ chối cấp C/O.
Trước thực trạng này, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nay Bộ đang tiến hành đề xuất tăng mức xử phạt gian lận thương mại, bởi mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp, không có tác dụng răn đe và ngăn chặn tình trạng này.
Từ thực trạng báo động về sản lượng gạch của nước láng giềng và mức giá thấp hơn tới 40% so với sản phẩm cùng loại trong nước trong khi chất lượng, nguồn gốc sản phẩm không kiểm soát hết. Có thể thấy rằng, với thực tế ngày càng nhiều nước trên thế giới đã, đang và sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với gạch ốp lát Trung Quốc thì nguy cơ buôn lậu và gian lận thương mại qua Việt Nam sẽ tăng cao hơn bao giờ, và chắc chắn cuộc chiến chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ ngày càng khốc liệt. Vì vậy cần sự phối hợp đồng bộ và sâu hơn của nhiều ngành chức năng Nhà nước và các cơ quan quản lý thị trường để bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo doisongphapluat.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]