Ảnh minh họa
LTS: Tìm được nguồn thực phẩm thực sự sạch ngày càng trở thành nhiệm vụ gian nan của các bà nội trợ sau khi nhiều thông tin cho thấy thực phẩm bán trong siêu thị cũng mập mờ nguồn gốc. Cụm chuyên trang kỳ này, chúng tôi cố gắng chấm phá thực trạng nhu cầu bức xúc về rau sạch, cũng như những nỗ lực cung ứng của nhà kinh doanh và cả tự thân người dùng.
Ra ngõ là gặp… rau sạch
Nghe hơi phi lý. Nhưng sự mâu thuẫn này là có thực. Trong thời buổi mà giở báo ra là thấy rau bị dư lượng thuốc trừ sâu cao, rau bị ép lớn nhanh bằng thuốc thần kỳ gì gì đó, thì người nhạy cảm kinh doanh một chút đều muốn cung ứng sản phẩm cho thị trường khổng lồ này.
Chị Bảy bán càphê đầu xóm cố thu vén cái sân thượng nhỏ chút xíu của mình để chen mấy thùng mút xốp lên trồng rau sạch, anh Ba phó trưởng phòng một doanh nghiệp bánh kẹo thì chạy vội về Củ Chi quê vợ để mượn đất trồng mấy luống cải, anh Chín giám đốc công ty thiết bị y tế thì nhiều vốn hơn nên lên Đà Lạt thuê hẳn một trang trại để trồng rau trong nhà lưới. Ai cũng mơ màng nghĩ đến việc có rau sạch để gia đình mình ăn, dư ra một chút thì bán kiếm thêm.
Buổi chiều, ghé qua công ty chuyên bán cây rau con ở trong con hẻm nhỏ đường Võ Thị Sáu, quận 3 hay trong khu bán cây kiểng ở trước cửa Quân khu 7, đường Hoàng Văn Thụ, sẽ thấy lượng nhân viên văn phòng tạt qua mua cây rau giống về trồng trong nhà là đông khủng khiếp. Nhà Sài Gòn bé tẹo, nên cũng không cần sân thượng, chỉ cần một bệ cửa sổ biết vun khéo thì cũng đủ chỗ cho một ụ nấm, ba bốn cây rau các loại, thêm cây chanh, cây ớt là có thể ung dung ngồi… chờ ăn rau sạch.
Và vì làm không chuyên, không tập trung nên hầu như mọi người sẽ rất nhanh bỏ cuộc và đành tặc lưỡi ăn tiếp những loại rau… có sâu đang bán ngoài chợ.
Cầu lớn – cung nhỏ lẻ
Sẽ là thừa khi nói về thị trường rau sạch. Nhưng chỉ một cái định nghĩa về rau sạch không là đã tranh cãi không ngừng được. Đã có nhiều công ty trồng rau chuyên cung cấp cho thị trường Nhật Bản phải đóng cửa khi hàng đã cập cảng nhưng không được chấp thuận. Người Nhật tin rằng rau sạch tức là phải sạch từ đất, mà đất xứ mình thì đa phần là đã chịu biết mấy mùa thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hay thuốc sâu…
Cũng có vài đơn vị nổi lên trong việc đáp ứng những chỉ tiêu ngặt nghèo nhất như U&I Farm (Bình Dương), Tropdicorp (TP.HCM)… thì luôn trong tình trạng thiếu hàng để bán. Còn lại những nông trang be bé xinh xinh cũng chỉ đủ rau cho vài chục đơn hàng mỗi tuần, tất nhiên là với mức giá khá cao.
Trong một chuyến đi thăm vườn rau sạch của các nông dân ở An Giang, ông Antony Nezic, cựu chuyên viên nông nghiệp của ngân hàng Thế giới, hiện đang là phó chủ tịch của phòng Thương mại công nghiệp Canada tại Việt Nam (CanCham) dành một giờ đi khắp cánh đồng rộng lớn và nhặt được một lọ thuốc trừ sâu.
Ông bảo: “Lần nào cũng phải nghe người nông dân giải thích, nhưng nếu là tiêu chuẩn thì chỉ đạt hoặc không đạt, đâu có thể nói là đạt 99% đâu. Đây cũng chính là điểm yếu làm cho người tiêu dùng không tin vào các quảng cáo rau sạch, mà có xu hướng tự tìm những nguồn cung cấp mà mình có quen biết để bảo vệ sức khoẻ. Nếu như vậy, thì không thể hình thành một thị trường rau sạch đạt tiêu chuẩn chung để mọi người đều có thể có rau sạch và lành để thưởng thức”.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]