Người nông dân khóc ròng trên ruộng dưa hấu thối
Cuối tháng 4/2014, nông dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ phải hái dưa đổ xuống kênh, vì toàn bộ các ruộng dưa hấu sắp thu hoạch đã bị hư hại do mưa. Mưa sớm khiến dưa hấu thối trái ngay trên ruộng, người nông dân huyện Thới Lai đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Bình quân 1 công dưa người nông dân phải đầu tư từ 4 đến 5 triệu đồng phân thuốc, chưa kể công chăm sóc, nhưng vài chục triệu tiền vốn chẳng thu lại được bao nhiêu. Nếu trồng dưa trúng mùa sẽ thu nhập cao hơn lúa gấp 3-4 lần; nhưng năm nay nông dân xã Tân Thạnh bỏ lúa trồng dưa hấu bị mất trắng.
Nhiều nông dân tiếc, thu hoạch bán rẻ cho thương lái nhưng không ai mua.
Ông Bùi Thanh Nhàn, trồng 5,5 công dưa giống Bảo Long, nói: “Ruộng của tôi còn 2 ngày nữa thương lái vào thu hoạch, khi gặp mưa thương lái 'bỏ của chạy lấy người'. Tôi phải thuê người chọn cắt những trái còn nguyên đem đi bán ở chợ nổi, nhưng giá 2.500 đồng/kg mà người ta cũng chỉ chọn được phân nửa. Gần 3 tấn dưa còn lại đành đổ xuống sông Hậu".
Thanh long được mùa mất giá thảm
Đầu tháng 8/2014, trong bài đăng trên báo Tuổi Trẻ, hình ảnh thanh long chất đống ngoài đường, thậm chí đem đổ bỏ ngoài bìa ruộng cho gia súc ăn, đã phản ánh hiện trạng được mùa, mất giá thảm của loại trái cây này khi vào chính vụ ở Nam Bộ.
Bí ngô mất mùa
Chưa bao giờ người trồng bí ngô ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lại lâm vào cảnh khốn khổ như năm nay. Mất mùa , năng suất giảm 20%, mất giá chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái… số phận những trái bí ngô phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Hẹn nông dân thu hoạch sớm, nhưng lại đến lấy muộn. Các thương lái đã khiến họ phải đổ đống bí ngô ra đường, không bán được, hoặc bán với giá rẻ mạt đến không tưởng.
Héo, hỏng, phải đổ cả cho bò ăn. Những trái bí ngô cũng như số phận người nông dân, chỉ biết trông chờ vào may rủi và thái độ của thương lái . Điệp khúc mất mùa, mất giá vì thế cứ nối dài từ vụ này sang vụ khác.
Theo VTV, những trái bí ngô chất hàng đống trên đường, chỉ bán từ 500 cho đến 1.000 đồng/trái. Sự trễ hẹn của thương lái khiến lượng lớn bí ngô bị héo, hỏng, phải đổ cả cho bò ăn. Điệp khúc mất mùa, mất giá cứ nối dài từ vụ này sang vụ khác
500 đồng/kg cà chua, nông dân Lâm Đồng đổ cho bò ăn
Đây là mùa cà chua xuống giá thê thảm thứ ba liên tiếp của nông dân tỉnh Lâm Đồng. Giá rớt chỉ còn từ 500 - 1.500 đồng/kg.
Nhiều hộ dân bấm bụng ra tìm vựa chào bán giá 700 -1.000 đồng/kg cà chua nhưng thương lái vẫn lắc đầu từ chối. Thậm chí một số địa điểm cách xa vựa thu mua 15-30km, giá cà chua mua tại vườn chỉ còn 300-500 đồng/kg. Tại các con đường vào xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, một số nơi người dân đổ bỏ cà chua giữa đường để mặc xe cộ qua lại cán nát bét.
Xót xa quất chục triệu chết la liệt
Đường vào làng quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) chất đầy cây quất khô, quả rụng vàng rực các gốc cây.
Quất héo xếp thành từng đống là hình ảnh dễ thấy khi đến Tứ Liên những ngày này. Từ gần 2 tháng nay, người dân làng Tứ Liên như ngồi trên đống lửa, khi Tết âm lịch cận kề nhưng hàng nghìn gốc quất thế cổ thụ chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Hàng ngàn cây quất đến thời kỳ quả to vàng bỗng dưng chết hàng loạt. Theo ước tính của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường Tứ Liên, số lượng quất chết cũng lên tới 50 % diện tích trồng. Nhiều hộ quất chết đến quá nửa vườn.
Nông dân khóc ròng vì trồng ớt không trái
Giữa tháng 10, Nhiều nông dân xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đang méo mặt vì trồng phải giống ớt không ra trái.
Ông Hồ Ngọc Bỉnh, nông dân xã Bình Nhì, trồng năm công ớt (khoảng 5.000 m2) kể: Hơn ba tháng trước, Công ty TNHH Giống cây trồng Long Hoàng Gia ở quận Tân Bình (TP.HCM) đến tiếp thị giống ớt mới có tên Hồng Hạc 2.
Công ty quảng cáo là ớt có năng suất cao, chỉ 65 ngày sau khi trồng sẽ cho thu hoạch nên ông mua giống ớt này trồng. “Khi xuống giống, ớt lên đều, phát triển tốt nhưng đã hơn 90 ngày mà ớt không chịu ra bông. Chỉ tính tiền giống, phân, thuốc, bà con đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng/công đất trồng ớt”.
Ước tính trong xã Bình Nhì có hơn 15 ha loại ớt không trái này.
Mới đây, công ty cử người đến kiểm tra nhưng lại đổ thừa ớt không trái là do nông dân. Hiện các hộ dân gửi đơn đến chính quyền yêu cầu xử lý.
Nông dân mất trắng vì mía nhiễm bệnh
Cuối tháng 10, tại vùng nguyên liệu mía ở phía Tây thị xã Ninh Hòa, những đám mía nhiễm bệnh trắng lá đang lan rộng cả chục héc ta. Bà Lê Thị Hoan, ở Buôn Lác, xã Ninh Tây buồn bã nói: bệnh trắng lá mía xuất hiện từ vụ mía trước, nay thì hầu hết các đám mía trong buôn đều nhiễm bệnh. Nhà bà Hoan có 4 hecta thì 3 hecta bị nhiễm bệnh trắng lá, nguy cơ không thu hoạch được, mất trắng cả trăm triệu đồng.
Bà Hoan cho biết: “Có chỗ là trắng 100%, không thu hoạch được mà phải phá hết. Trắng hết cả bụi rồi lụi dần đi, đẻ cây con nào trắng cây con đấy. Tôi phải thuê công cuốc hất cây mía trắng đi rồi chẻ những cây mía không trắng ra để giặm, chăm sóc để lấy thu nhập”.
Năm ngoái, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa chỉ có 150 hecta mía bị bệnh trắng lá, thì năm nay đã lên tới 800 hecta, diện tích mía bị thiệt hại đến 70%. Mía là cây trồng độc canh của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này.
Ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với hộ trồng mía: “Tỷ lệ bệnh hiện nay đang tăng lên, sau cơn mưa như vậy nó càng trắng lá mía mạnh hơn. Đa phần ở địa phương là người đồng bào dân tộc thiểu số. Khi có bệnh trắng lá mía, tỉnh có hỗ trợ nhưng một phần rất nhỏ bé. Vì đầu tư vào cây mía tương đối lớn, phải gần 20 triệu đồng/hecta nên cuộc sống của bà con năm nay rất khó khăn”.
Đến nay, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có gần 2.000 hecta trong số gần 12.000 hecta mía bị bệnh trắng lá, nhiều vùng có nguy cơ mất trắng. Bệnh trắng lá mía lây truyền qua hom giống hoặc qua tác nhân trung gian, hiện chưa có thuốc đặc trị.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]