Giá rớt như xe... đứt phanh
“Chỉ 1 tuần đã rớt thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện cải xanh, cải ngọt chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó bán”, ông Phạm Văn Hai, người thâm niên trong nghề trồng rau màu ở xã Kiến An (Chợ Mới-An Giang) cho biết.
Giá nhiều loại rau cũng đang tuột dốc. Điển hình như rau mồng tơi, hiện chỉ có 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tình cảnh mà nhiều người trồng rau màu vùng ĐBSCL đang đối mặt. Tại Đồng Tháp, giá nhiều loại rau cũng đang chạm đáy: Rau dền: 3.000 - 4.000 đồng/kg, cải ngọt: 3.000 - 3.5000 đồng/kg, xà lách 4.000 - 5.000 đồng/kg, bông súng 7.000-8.000 đồng/kg, dưa leo 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Khi có đê bao kiểm soát lũ, nông dân đầu nguồn ĐBSCL mạnh dạn đầu tư những đám rẫy trồng rau, màu bạt ngàn.
Theo bà Huỳnh Thị Phượng, người có trên 20 năm chuyên thu mua rau màu ở Chợ Mới (An Giang), bình quân giá giảm 30-40% so đầu năm và là mức giá thấp nhất nhiều năm qua. Điều này đã đẩy nhiều nông dân đối mặt với thua lỗ, bởi hầu hết giá đầu vào của rau màu năm nay đều tăng. “Thời tiết rất bất thường, sâu bệnh gia tăng, nhu cầu sử dụng lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn và giá nhiều mặt hàng nông dược lại tăng vọt”, ông Hai lý giải.
Thậm chí ở Đồng Tháp, dù đã không tính công sức dầm mưa, dãi nắng, nhiều nông dân vẫn lỗ vốn. Mùa lũ năm nay dù vẫn trung thành với cây rau truyền thống: Cải ngọt, rau dền… nhưng ông Mai Văn Sáu (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lai Vung) lại “nuốt trái đắng” khi bị lỗ gần 6 triệu đồng/công rau. Thậm chí ở Mỹ Đức (Châu Phú - An Giang) nhiều hộ trồng cải thìa phải nhổ bỏ vì thương lái không mua. Người trồng rau không có cách để né tránh cơn lốc giảm giá này. “Bởi đến thời điểm thu hoạch là nhà nông phải bán với bất cứ giá nào… vì tuổi thọ của loại nông sản này rất ngắn: “Sáng rau, chiều rác”, ThS Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp), chia sẻ.
Chết vì trồng “mù”, bán “mờ”
Việc rau màu rớt giá ngay giữa mùa lũ năm 2014 là điều không bình thường ở vùng ĐBSCL. Vì thông thường, thời điểm này giá cao, dễ bán nhất trong năm. Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến nghịch lý này, như: Bị thương lái làm giá, có quá nhiều tầng nấc trung gian trong khâu tiêu thụ… Cụ thể, từ rẫy đến tay người tiêu dùng, rau màu phải qua ít nhất 5 trung gian. Trong khi đó, do hệ thống đê bao kiểm soát lũ ngày càng nhiều, diện tích trồng cũng ngày càng mở rộng, nên rất khó để kéo giá lên “đỉnh” như trước. Vì vậy để đảm bảo lợi nhuận, thương lái quay lại “ép giá” người trồng. Chỉ tính riêng An Giang cho thấy, đã có đến 637 tiểu vùng với 240.000ha kiểm soát lũ.
Trong bối cảnh đầu ra hạt lúa bấp bênh, nhiều địa phương đã tự phát chuyển sang trồng rau màu. Tính đến năm 2013, An Giang có gần 60.000ha rau màu các loại, với tổng sản lượng khoảng 1 triệu tấn, tăng hơn 3 lần so năm 1991. Theo các chuyên gia kinh tế, khi đạt sản lượng khủng thì kênh phân phối quan trọng chính là xuất khẩu. Tuy nhiên do chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch nên thường tiềm ẩn rủi ro.
Trong khi đó, đa phần nông dân lại gieo trồng cảm tính (chưa có cơ quan dự báo trợ giúp). Người trồng nhưng không biết thị trường đang cần loại gì, bao nhiêu vào thời điểm nào. Thậm chí cũng không biết thời điểm các nước nhập khẩu có thể trồng số lượng lớn để né vụ… ThS Tuyên đưa ra ví vụ: Nếu trồng dưa hấu thu hoạch vào thời điểm tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là cầm chắc khó tiêu thụ, vì lúc này nông dân Trung Quốc cũng bước vào thu hoạch rộ sản lượng lớn nhất trong năm.
Tuy nhiên theo ThS Tuyên, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, quyết liệt, người trồng rau màu sẽ không đủ sức cầm cự để rồi “treo đất” như người nuôi cá tra “treo ao”.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]