Thế nên, để trở thành một thương hiệu có tiếng, nói không ngoa phải vượt qua hàng trăm cái tên khác, neo đọng lại trong lòng người ăn Hà Nội mới có thể trụ vững và phát triển tại đây. Và để Nhân Mỹ trở thành nhãn hiệu kẹo lạc nức tiếng Hà thành cũng là một câu chuyện dài của người khởi nghiệp và người duy trì đặc sản đó đến nay.
Nhân Mỹ vốn là tên hiệu của cụ Dương Văn Thoan, nguyên quán Vụ Bản, Nam Định. Khởi nghiệp từ năm 1910, tự tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm của những nghệ nhân bánh kẹo người Việt, người Hoa, người Pháp, cụ Thoan lập nên cửa hiệu Nhân Mỹ tại Thị trấn Ninh Giang, Hải Dương, nổi tiếng khắp vùng Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình... với các loại kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo gừng, kẹo táo, kẹo dồi chó, kẹo nougat…Kẹo lạc hiệu Nhân Mỹ nay đã ra Hà Nội. Nhưng chiếc kẹo ngọt giòn mà lấp lánh cánh gián nay là kết tinh tài tình giữa bí quyết thủ công gia truyền với tinh hoa văn hóa ẩm thực đất Hà Thành.
Theo anh Lê Hồng Sơn, chủ chuỗi cửa hàng Vua Tào phớ, 192 Hàng Bông – Hà Nội, cũng là người nối nghiệp thương hiệu kẹo lạc Nhân Mỹ, muốn thành công tại thị trường khó tính như ở Hà Nội phải có cái tâm của mình trong quá trình làm. Nguyên liệu dùng để sản xuất kẹo lạc Nhân Mỹ được tuyển chọn kỹ càng, bao gồm, lạc, vừng, đường kính, mạch nha… Có được nguyên liệu tốt rồi, lại cần đến bí quyết gia truyền. Bí quyết đó không đơn giản là cho đường, nha, lạc vào nấu mà là cách bắt nha, lạc, vừng phải ngọt, giòn, bùi, thơm theo đúng ý của chủ nhân. Đó là bí quyết gia đình anh gìn giữ hàng chục năm nay để duy trì sản phẩm. Nhưng để phù hợp với những khách hàng Hà Nội khó tính và khách thập phương, nhất là khách nước ngoài rất sợ đường, chủ hiệu đã tinh ý điều chỉnh lượng đường sao cho hài hòa mà vẫn giữ được phong vị thơm ngon của kẹo lạc truyền thống.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Sơn lại bỏ nhiều công phu chuyển toàn bộ đồ nghề và giành nhiều thời gian, công sức làm kẹo ngay tại cửa hàng 192 phố Hàng Bông để nhiều khách hàng có thể chứng kiến quy trình sản xuất kẹo lạc mang thương hiệu Nhân Mỹ của quê hương. Kẹo lạc Nhân Mỹ được chế biến tại chỗ theo nguyên tắc làm mẻ kẹo nào rang lạc và vừng mẻ đó, đảm bảo nguyên liệu giữ được mùi vị thơm ngon tự nhiên, dầu từ lạc và vừng không bị ôi do để lâu trong không khí. Tự tay chủ cửa hiệu hàng ngày quật kẹo, cắt, cán kẹp lạc, làm ra một sản phẩm thủ công truyền thống, khác xa với những chiếc kẹo lạc công nghiệp và tạo nên cái thú tự làm kẹo tại nhà. Mới thấy, để trở thành thức quà được chọn để tiếp khách trong dịp lễ, Tết quả là điều khó khăn. Hàng Bông là tuyến phố gần như đắt nhất ở Hà Nội, tuy nhiên muốn có được lượng khách đông, không thể bán một sản phẩm với giá quá cao. Chiến lược bao giờ cũng phải là bán sản phẩm với giá thấp, để từ người bình dân đến người khá giả đều có thể tiếp cận được sản phẩm, nhất là đối tượng sinh viên. Người ăn từ quen chuyển dần sang vương vấn mà gắn bó với kẹo lạc mãi không rời.
Cái “đắt” của kẹo Nhân Mỹ là giòn mà không rắn, để lâu cũng không chảy, không dính tay, ngọt dịu khi kết hợp với một chén trà đượm chát nóng phỏng tay. Điều chỉnh đường, lửa thêm một chút hay bớt một chút đã thay đổi lớn lao chất, vị, hương của một món ngon. Một chút đó cũng là hàng chục năm kinh nghiệm được chắt lọc kỹ càng. Nếu đã coi chuyên ăn uống như một cách thể hiện thú vui, sở thích và không chỉ thể hiện sự lịch lãm mà còn gần gũi, thân tình, có nên bỏ qua món quà quê đượm đà ấy?
Theo Hiền Lê - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]