Đó là các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Con số này được Bộ NNPTNT công bố tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017 diễn ra sáng nay 10.2.
Năm 2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5.800 cơ sở nông nghiệp vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm. (Ảnh: IT)
Đánh giá về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Trong năm 2016, thị trường vật tư nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, thời vụ có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Các sai phạm như mất vệ sinh thú y trong giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có chiều hướng gia tăng, không có chứng nhận ATTP tại các cơ sở sản xuất thực phẩm; chấp hành không đầy đủ các quy định trong khai thác thủy sản; vận chuyển trái phép, săn bắt, mua bán động vật hoang dã… vẫn còn phổ biến”.
Công tác thanh, kiểm tra vật tư nông nghiệp được tăng cường trong năm 2016 và chuyển mạnh sang thanh, kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Năm 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được Bộ NNPTNT phát động nhằm tạo chuyển biến rõ nét về ATTP, đặc biệt là xử lý căn cơ một số vấn đề nổi cộm mất ATTP như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm”.
Cũng theo ông Tiệp, các cơ quan trung ương và địa phương đã tổ chức thanh kiểm tra 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giống cây trồng, giống vật nuôi và đã phát hiện, xử lý 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP (chiếm 13%) với tổng số tiền xử phạt hành chính là 21,9 tỷ đồng. Đối với việc sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, các cơ quan trung ương địa phương cũng đã kiểm tra 21.364 cơ sở, trong đó phát hiện xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định ATTP với tổng số tiền xử phạt lên tới gần 7 tỷ đồng”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]