Thời gian qua, không ít người tỏ ra lo ngại cho tương lai ngành ôtô Việt Nam khi Toyota cùng một số liên doanh sản xuất ôtô trong nước bóng gió về khả năng có thể thu hẹp lắp ráp và chuyển sang nhập khẩu sau năm 2018 nếu mất lợi thế do xe nhập khẩu trong khu vực AFTA được giảm thuế về 0%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định đây không phải vấn đề quá lớn và một số doanh nghiệp Việt vẫn quyết tâm bám trụ và đang chuẩn bị cho cuộc chơi mới. Tuy nhiên, giá xe sẽ không dễ giảm mạnh.
2018, thị trường ôtô Việt sẽ sốc giá, sốc chiến lược?
Những ngày qua, dư luận xôn xao rồi bối rối trước thông tin về khả năng đổi chiến thuật của các liên doanh xe trong nước cũng như viễn cảnh hạ giá xe sau năm 2018. Không ít người còn tỏ ra lo lắng khi sợ các đại gia xe như Toyota "rút khỏi Việt Nam".
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều nhận định thị trường ôtô Việt Nam sẽ vẫn ổn sau 2018 và không bao giờ có chuyện Toyota hay các liên doanh xe đang làm ăn tốt tháo chạy khỏi Việt Nam bởi ít có thị trường nào lại có tiềm năng như vậy trong khu vực.
Vấn đề mà các liên doanh này băn khoăn và cũng đang tìm cách "bắn tin" cho các cơ quan quản lý liên quan tới những điều chỉnh về thuế sau 2018. Cụ thể, nếu thuế nhập khẩu xe trong khu vực AFTA giảm xuống 0% trong khi các chính sách thuế khác được giữ nguyên thì họ sẽ chuyển từ lắp ráp sang nhập nguyên chiếc để có lãi. Do đó chuyện lắp hay không lắp chỉ đơn giản là phép tính trong bài toán lợi nhuận của các liên doanh này.
Ngoài việc các liên doanh đánh tiếng gây sức ép cho chính phủ, các chuyên gia cũng cho rằng sẽ khó có việc giá xe giảm sâu sau 2018 bởi vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động tới giá xe và nếu cơ quan chức năng vẫn muốn xiết xe hơi cá nhân thì xe giá rẻ vẫn chỉ là giấc mơ với nhiều người.
Trên thực tế ngoài thuế nhập khẩu, giá xe còn phụ thuộc vào 3 loại thuế, phí khác, bao gồm tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) và trước bạ, vốn không chịu chi phối bởi các hiệp định thương mại tự do hay cam kết WTO và 3 loại thuế này đều có thể được điều chỉnh nếu cần. Ngoài ra, giá tính thuế với mỗi đầu xe nhập cũng là một vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp tới giá bán. Bên cạnh đó, việc có hay không một làn sóng xe giá rẻ từ ASEAN vào Việt Nam còn phụ thuộc vào chuyện nới hay không nới thông tư 20. Ngoài ra, những dòng xe được giảm thuế phải đáp ứng các tiêu chí như nhập khẩu từ các nước thuộc khu vực AFTA và phải đạt tỷ lệ nội địa hoá 40%.
Đổi cuộc chơi, cơ hội vẫn còn
Trong khi một số liên doanh xe bày tỏ lo ngại về cột mốc 2018, một số khác lại vẫn quyết tâm "chơi tới cùng" và tỏ ra lạc quan về thị trường cũng như ngành công nghiệp ôtô Việt. Trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam cho rằng 2018 thực sự là một thời điểm thách thức với ngành Công nghiệp Ôtô Việt Nam nhưng "cơ hội vẫn còn" và chính phủ vẫn đang có những chính sách tốt hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói chung hay công nghiệp phụ trợ nói riêng.
Ông Đức cho rằng "Về việc phát triển một dòng xe nội địa, thương hiệu Việt Nam thì thực sự đó là một chặng đường dài. Chúng ta không thể nói là đã chậm chân hay chưa! Bởi ở bất cứ thời điểm nào, nếu hội tụ đủ điều kiện cần và đủ, cơ hội vẫn luôn còn cho các doanh nghiệp Việt Nam."
Tương tự như Hyundai Thành Công, với 3 thương hiệu xe du lịch là Kia, Mazda và Peugeot, Công ty CP Trường Hải Auto – Thaco đang mạnh tay đầu tư một cách bài bản và chắc chắn sẽ tiếp tục sản xuất xe trong nước.
Công ty này từng bước chuyển giao công nghệ và tiến hành lắp ráp các mẫu xe công nghệ cao cũng như gia tăng tỷ lệ nội địa hoá để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sau 2018 bởi ngoài thị trường trong nước, nhà sản xuất này còn hướng tới xuất khẩu xe ra các nước trong khu vực.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]