Gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, một số hãng xe lớn tại Thái Lan, Indonesia đang có ý định tìm kiếm địa điểm mới trong khu vực ASEAN thay thế. Không những thế, mới đây, LG Electronics - nhà sản xuất tivi lớn thứ 2 thế giới cũng đang có kế hoạch chuyển dịch “cứ điểm” sản xuất tivi từ Thái Lan sang Việt Nam…
Hãng xe bỏ Thái, Indo, đến Việt Nam làm ô tô giá rẻ?
Theo số liệu của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI), năm 2014 vừa qua, doanh số bán ô tô trong nước của Thái Lan chỉ đạt hơn 881.800 chiếc; giảm 34% so với năm 2013 và là năm thứ hai liên tiếp thị trường suy giảm. Điều này khiến cho sản xuất ô tô của Thái Lan trong năm qua cũng suy giảm, đạt mức 1,88 triệu chiếc (kể cả xuất khẩu). Tại Indonesia, năm 2014 vừa qua, doanh số bán ô tô cũng giảm nhẹ khiến năng lực sản xuất cũng giảm từ 1,4 triệu xe còn 1,3 triệu xe.
Ngoài sản lượng sụt giảm, các nhà đầu tư tại Thái Lan cũng đang gặp một số khó khăn lớn khác, đó là chính trị bất ổn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, chi phí nhân công cao làm tăng giá thành. Bên cạnh đó, công suất sản xuất ô tô tại Thái Lan cũng đã tới hạn, muốn tăng phải đầu tư mới… Những khó khăn trên buộc các hãng xe phải cân nhắc, muốn tìm địa điểm mới.
Theo đó, tại ASEAN có 2 địa điểm mà các nhà đầu tư quan tâm tới là Philippines và Việt Nam. Đây là hai quốc gia đông dân, có tiềm năng lớn. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vẫn mong muốn đầu tư vào đây.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất ô tô để phát triển ngành công nghiệp này, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường ô tô Việt Nam, các con số về tình hình tiêu thụ hàng tháng được các doanh nghiệp công bố cho thấy đà tăng vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
Trong báo cáo bán hàng tháng 1/2014, VAMA dự báo mức tiêu thụ toàn ngành năm 2014 vào khoảng 120.000 xe, tăng 9% so với kết quả của năm 2013. Tuy nhiên, con số thực tế đã lên đến gần 158.000 xe, tăng 43%. Doanh số tháng 12 đã lập kỷ lục mới khi vượt qua mốc 20.000 xe và đây là tháng thứ 21 liên tiếp doanh số toàn ngành cao hơn cùng kỳ.
Việt Nam có một số thuận lợi, đó là thị trường ô tô có tiềm năng lớn. Dự báo sau năm 2020, khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vượt 3.000 USD thì nhu cầu về ô tô sẽ bùng nổ. Hiện cả nước mới chỉ có 2 triệu ô tô các loại, tỷ lệ ô tô bình quân đầu người còn rất thấp, đến 2030 tiêu thụ ô tô có thể vượt 1 triệu xe/năm. Cùng với đó, giá nhân công tại Việt Nam thấp, giúp giảm chi phí sản xuất.
LG chọn Việt Nam sản xuất tivi thay Thái Lan
Công ty LG Electronics – nhà sản xuất tivi lớn thứ 2 thế giới đang lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam trong năm nay do hệ thống sản xuất tại Việt Nam hiệu quả, chi phí thấp và dịch vụ logistic (vận tải) tốt.
Trước đó, tháng 10 năm 2013, LG được cấp phép đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam để xây nhà máy sản xuất và lắp ráp hàng hóa điện, điện tử.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên Reuters, ông Nipon Wongsaengarunsri – Giám đốc Marketing của LG tại Thái Lan cho biết, LG muốn xây dựng một “cứ điểm” sản xuất các dòng sản phẩm tivi mới tương tự như các nhà máy chính của công ty tại Hàn Quốc. Và Việt Nam đang được xem là lựa chọn tốt nhất.
“Chúng tôi coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng để đầu tư. Chi phí tiền lương rẻ là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là chất lượng và dịch vụ logistic tốt” - ông Nipon nói.
Bên cạnh đó, ông Nipon cũng cho biết, LG sản xuất khoảng 600.000 sản phẩm tivi mỗi năm tại Thái Lan, với trị giá đạt khoảng 8 tỷ bant (tương đương 243 triệu USD). Trong đó có khoảng 100.000 sản phẩm xuất khẩu.
Việt Nam có được hưởng lợi?
Theo tiến trình hội nhập, đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành. AEC được thành lập tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, lao động có kỹ năng tay nghề… trong khu vực.
Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong giai đoạn đàm phán những vòng cuối hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang và sắp ký kết cũng góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một loạt ông lớn đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất hoặc mở rộng đầu tư. Chẳng hạn, Samsung đầu tư tới 11 tỷ USD cho các nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh, Intel cũng công bố sản xuất dòng chip Haswell dành cho máy tính để bàn tại nhà máy ở Việt Nam và hy vọng có thể sản xuất được 80% nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm này tại đây trong vòng 6 tháng tới…
Năm 2014 cũng ghi nhận một cuộc chuyển dịch mạnh mẽ của các công ty lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Không chỉ các ông lớn trong ngành công nghệ như Samsung, Intel, Nokia… mà còn nhiều doanh nghiệp dệt may, giày dép cũng đang đổ hàng tỷ USD vào cơ sở sản xuất tại Việt Nam, dù đã có những nhà máy quy mô ở Trung Quốc.
Nhận định về những cơ hội của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt để không bị thua thiệt trên sân nhà, bằng cách tăng cường khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu làm tốt những điều này, Việt Nam sẽ đón đầu được cơ hội từ những cuộc chuyển dịch trong thời gian tới.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]