Thế nhưng, việc có nắm bắt được cơ hội hay không là việc khác.
Trái cây vượt khó
Mặc dù Hiệp định TPP chưa được ký kết nhưng các mặt hàng trái cây các nước thành viên Mỹ, Úc, New Zealand… mấy tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm giá, đẩy mạnh nhập khẩu vào Việt Nam, đón đầu TPP. Cụ thể giá bán trên thị trường các loại kiwi, táo, nho, cam… nhập khẩu đều giảm từ 10 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như nho đen Mỹ không hạt từ 250.000 đồng/kg giảm còn 180.000 – 190.000/kg tùy loại, kiwi New Zealand từ 110.000 đồng/kg còn 90.000 đồng/kg, táo Gala Mỹ từ 70.000 – 80.000 đồng/kg còn 57.000 đồng/kg. Trái cây nhập khẩu giá mềm đã thu hút nhiều người tiêu dùng, khiến trái cây trong nước ít nhiều bị cạnh tranh.
Nông sản nhiệt đới của Việt Nam sẽ rộng cửa xuất khẩu khi TPP có hiệu lực.
Chị Trần Mỹ Linh ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Cam Úc và táo Mỹ tôi mua trong siêu thị Metro chỉ còn có 50.000 đồng và 45.000 đồng/kg, giá bằng thậm chí có lúc rẻ hơn giá cam, quýt Việt Nam nhưng chất lượng lại ngon ngọt hơn. Các con tôi ăn thích lắm nên gia đình thời gian gần đây có tăng cường mua trái cây nhập, giảm trái cây nội ”– chị Linh nói.
Theo đại diện các siêu thị Co.opmart, Lotte Mart… do giá giảm nên mấy tháng gần đây lượng tiêu thụ trái cây ngoại nhập trong siêu thị có tăng lên từ 10 – 15%. Một khi Hiệp định TPP được ký kết, thị trường rộng mở hơn thì lượng trái cây ngoại tràn về là điều không tránh khỏi.
Ông Nguyễn Hữu Đạt- Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) thừa nhận, trái cây nhập tràn về sẽ tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên phần lớn trái cây nhập từ các nước tham gia TPP đều là trái cây ôn đới nên sẽ có một thị phần riêng, không làm ảnh hưởng đến trái cây nhiệt đới của nước ta. Ngược lại, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thuế suất bằng 0, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho trái cây nhiệt đới VN xuất khẩu qua các nước này.
“Cái quan trọng là các nước Mỹ, Nhật, Chile, New Zealand đặt rào cản kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh rất khắt khe, chỉ cần nông dân chúng ta vượt qua được thì tương lai xuất khẩu trái cây VN sẽ vượt qua con số 1 tỷ USD là điều trong tầm tay” – ông Đạt đánh giá.
Lúa gạo, thủy sản chờ cơ hội
Theo các doanh nghiệp, Hiệp định TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu gạo đến các nước châu Mỹ và Nhật có giá bán cao hơn nếu VN vượt qua được các rào cản về kỹ thuật.
“Năm nay, xuất khẩu gạo qua Nhật bị “chựng” lại vì rào cản kỹ thuật của họ quá khắt khe. Tuy nhiên chúng tôi đang dần vượt qua và một khi Hiệp định TPP được ký kết chắc chắn chúng tôi sẽ xuất khẩu qua nước này nhiều hơn” – giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang chia sẻ.
Về triển vọng xuất khẩu, TPP có thể mang lại cho nông sản nhiệt đới nước ta, nhất là rau quả, lúa gạo, cơ hội tiếp cận các thị trường quan trọng này, từ đó giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, ở thị trường châu Mỹ, các doanh nghiệp đang rất phấn khởi trông chờ TPP bởi đây là thị trường có sự tăng trưởng tốt và giá bán cao. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm nay xuất khẩu gạo qua châu Mỹ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tăng từ các thị trường mới như Mỹ, Haiti, Mexico, Chile. Tuy nhiên các thị trường này chỉ mới chiếm có 7% trong tỷ trọng gạo xuất khẩu của Việt Nam nên theo đánh giá của các doanh nghiệp đây là khu vực còn rất nhiều tiềm năng cho xuất khẩu gạo.
“Chúng ta hiện có lợi thế cạnh tranh về giá so với gạo của Thái Lan, vốn trước đây “làm mưa làm gió” ở thị trường này. Ngoài ra, gạo trắng cao cấp nhập khẩu từ Việt Nam đang được nhiều nhà hàng châu Á ở Mỹ ưa chuộng hơn gạo Thái Lan và gạo Mỹ do phù hợp với nhiều cách chế biến ở đây. Hiện giá bán lẻ gạo trắng cao cấp Việt Nam vào nhà hàng ở Mỹ khá tốt, lên đến 1.000 USD/tấn, trong khi mức bình quân gạo trắng 5% tấm VN chỉ đang bán ở mức 420 USD/tấn” – ông Dương Ngọc Minh- Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương cho biết.
Tương tự, ở ngành thủy sản, theo ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thì TPP chắc chắn sẽ mở rộng đường cho xuất khẩu thủy sản sang châu Mỹ, châu Á trong những năm tới. “Khó nhất là ở thị trường Nhật, đặt rào cản kỹ thuật khắt khe về dư lượng Ethoxyquin cao hơn các nước gấp cả 100 lần nhưng họ cũng đang bằng lòng hạ mức tiêu chuẩn này xuống 20 lần trong tháng tới. Khi đó, cùng với TPP, tôm Việt Nam sẽ càng rộng đường vào thị trường này” – ông Hòe đánh giá.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng:Cần sớm khắc phục yếu kém nội tại
Khi ký kết TPP, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất vẫn là nông nghiệp, bởi vì Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp, áp dụng tiến bộ khoa học hạn chế nên giá thành sản phẩm còn cao. Vì vậy, việc mở cửa thị trường ít nhiều sẽ tác động đến những sản phẩm hàng hóa này. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đàm phán để không thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với việc giảm thuế hay miễn trừ thuế. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, kể cả bà con nông dân cũng phải khắc phục yếu kém, nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm.
PGS- TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Nhiều gánh nặng cho nông dân
Các vòng đàm phán của TPP hiện vẫn chưa đạt được đồng thuận của các quốc gia về việc mở cửa thị trường nông sản. Nhiều quốc gia vẫn cương quyết bảo hộ nền nông nghiệp trong nước. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sẽ rất khó khăn khi các nông hóa phẩm mà Việt Nam hiện nay sử dụng theo quy định của TPP thì phải có bảo hộ sáng chế, vì vậy sau này chi phí sản xuất sẽ cao trong khi hiện nay người nông dân vẫn đang phải gánh chi phí rất lớn cho thuốc bảo vệ thực vật, thú y... Ngoài ra, việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP cũng khắt khe hơn, chưa kể theo đề xuất sử dụng chỉ dẫn địa lý của TPP, thương hiệu ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ ngay lập tức.
Mai Hương (thực hiện)
Theo Ngọc Minh - Danviet.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]