Tuy nhiên, một vài năm gần đây, nhiều thương lái đã thu mua hồng hoa non để chuyển sang Trung Quốc khiến doanh nghiệp thu mua quả hồng hoa chế biến sản phẩm rơi vào tình trạng lao đao khi họ đã ký bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Nông dân bị bỏ rơi?
Báo nhận được phản ánh của bà con nông dân một số xã ở huyện Cát Hải: Những năm trước, khi hồng hoa mới được trồng ở huyện Cát Hải, huyện đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho công ty CP thương mại Nhà Việt (công ty Nhà Việt), trụ sở tại Hải Phòng.
Theo đó, công ty Nhà Việt sẽ phải thu mua sản phẩm quả hồng hoa tươi với giá ký kết từ đầu và không được bỏ rơi sản phẩm của bà con nông dân. Tuy nhiên, tại các xã Gia Luận, Hiền Hào, có tình trạng công ty Nhà Việt không thu mua sản phẩm như cam kết khiến bà con rất bức xúc. Chị H.T.L. (xã Gia Luận) cho biết: “Công ty không thu mua hàng của chúng tôi, không bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi phải bán cho các thương lái bên ngoài”.
Cán bộ xã Hiền Hào, Gia Luận, Trân Châu (thuộc huyện đảo Cát Hải) cũng thừa nhận có việc xô xát giữa cán bộ thu mua quả hồng hoa và người dân. “Có tình trạng sản phẩm của nông dân bị công ty từ chối thu mua nhưng đây là những sản phẩm kém chất lượng.
Nguyên nhân là những sản phẩm đảm bảo chất lượng đã bị bán cho thương lái trước đó với giá cao hơn”. Anh Phạm Hồng Lựu, Chủ tịch hội Nông dân xã Hiền Hào xác nhận.
Anh Nguyễn Tiến Ban, cán bộ trung tâm Khuyến ngư – Nông nghiệp huyện Cát Hải chia sẻ với PV: “Giống cây này mỗi ha chỉ cần đầu tư 2 triệu đồng tiền công, phân bón,... Tiền giống và kỹ thuật đã có công ty thu mua sản phẩm ký hợp đồng hỗ trợ với UBND huyện Cát Hải. Mỗi ha hồng hoa cho thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng mỗi năm cho bà con”.
Khảo sát tại cánh đồng hồng hoa ở xã Gia Luận, huyện Cát Hải ngày 3/10, PV ghi nhận khoảng từ 12h trưa cho đến 14h, bà con thường đi cắt hồng hoa. Một chị lái buôn cho biết: “Chị mua hồng hoa của bà con nông dân với giá 20.000 đồng/kg, cao gấp hai lần giá huyện Cát Hải thu mua”.
Tuy nhiên, chị này chỉ thu mua hồng hoa non, với số lượng ít và chỉ lấy những quả gốc to nhất, đẹp nhất. Những quả hồng hoa như vậy sẽ được chuyển qua Móng Cái và đưa sang Trung Quốc.
Giữa trưa nắng, bà con nông dân tranh thủ đi hái hồng hoa non để bán cho thương lái mang sang Trung Quốc.
Anh Nguyễn Tiến Ban giải thích: “Thời điểm thu hoạch hồng hoa sớm như thế này mất giá trị của cây rất nhiều. Những quả non này cần khoảng hai tháng nữa để hoàn thiện các dưỡng chất. Bà con hái như vậy sẽ làm chột cây, ảnh hưởng chất lượng quả khác”.
Doanh nghiệp bức xúc
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Tuyên, GĐ công ty Nhà Việt cho biết: “Không phải chúng tôi không thu mua sản phẩm của bà con nông dân mà bà con nông dân chuyên bán quả dưới gốc, to, giá trị cao cho các thương lái bên ngoài từ khi còn non, sau đó để lại những quả ngọn quá bé, quá mỏng, chất lượng kém nên chúng tôi không thể thu mua được.
Công ty Nhà Việt hỗ trợ giống, cùng với phòng NN&PTNT huyện Cát Hải tập huấn kỹ thuật cho bà con trồng hồng hoa. Sau đó, công ty lại bao tiêu sản phẩm. Vậy mà bà con không đợi quả đến vụ thu hoạch mà nghe con buôn bên ngoài xúi giục, cắt quả từ lúc còn non, ảnh hưởng đến chất lượng lứa quả sau”.
Ông Tuyên cũng cho biết, vụ thu hoạch hồng hoa hàng năm là tháng 11 âm lịch. Lúc đó, quả sẽ đủ dưỡng chất, có màu đẹp nhất. “Một số thương lái mua hồng hoa non để bán sang Trung Quốc gây rối thị trường trong nước.
Chúng tôi cũng chưa biết giải quyết sự việc như thế nào. Nếu chúng tôi không mua của bà con nữa, sản phẩm sẽ bị ứ thừa, bà con sẽ bỏ không trồng hồng hoa”, ông Hoàng Văn Tuyên cho biết thêm.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]