Chia sẻ với PV, ông H.V.T. (ngụ quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) không khỏi chạnh lòng khi vừa mới bán đứt đi bầy vịt đang trong thời kỳ đẻ trứng. Ông T. nói, mới đây có một thương lái người Trung Quốc và một thương lái ở Vĩnh Long xuống hỏi mua đàn vịt. Không biết ai giới thiệu mà họ biết được và vào trả giá cao hơn giá vịt thời điểm đó.
Lúc đầu tôi định không bán, nhưng sau thấy họ trả giá cao hơn, lại đang cần tiền thế là bán luôn bầy vịt gần 200 con đang độ thu hoạch trứng. Thế nhưng ít ngày sau, tôi thấy ân hận vô cùng, chỉ vì chút tiền cao hơn một tí mà mất đi nguồn thu hàng ngày của gia đình khi đàn vịt vào độ thu hoạch.
Ảnh minh họa (Nguồn: Zing.vn)
Một thương lái gia cầm ở Tiền Giang cho biết, các tay mua người nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc đến các tỉnh miền Tây đi tìm mua vịt đẻ hoặc chuẩn bị đẻ với số lượng lớn. Họ còn chia lại phần trăm cho nhiều thương lái người Việt để có thể thu gom với số lượng nhiều trong thời gian ngắn. Biết là khó mua vì ít ai chịu bán vịt đẻ, nên họ đã đẩy giá lên cao. Sau khi mua được thì đem về chế biến, đóng gói và xuất sang thị trường Trung Quốc. Các thương lái Việt Nam chỉ biết công đoạn đến đó thôi, chứ không biết được vịt sẽ tiêu thụ như thế nào khi rời khỏi Việt Nam. Nhưng có điều dễ nhận thấy là nhiều hộ nông dân đã rơi vào cảnh lao đao khi bán đi bầy vịt đẻ của mình, đặc biệt là với những người xem đó là nguồn thu nhập của gia đình.
Ngoài vịt đẻ thì nhiều hộ nông dân ở Tiền Giang cũng hoang mang về việc các thương lái nước ngoài tìm đến địa phương này để mua các loại hoa quả non. Ông Trần Thanh Hiền, ngụ huyện Cai Lậy cho biết, họ thuê các thương lái đến tìm mua các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng loại non với giá hấp dẫn. Khi mua về thì họ cho người tẩm các loại hóa chất, mà ngay cả những người thực hiện công đoạn này cũng không biết đó là loại gì, để làm chín và bảo quản rồi đưa sang Trung Quốc.
Điều đáng nói là hoạt động này sẽ vô cùng tai hại khi nó được dán nhãn chỉ dẫn địa lý: "Made in Vietnam" (sản xuất tại Việt Nam). Theo các chuyên gia kinh tế thì lúc đó, chính người nông dân lại bị thua thiệt. Vì sầu riêng non sẽ cho chất lượng kém, từ đó khách hàng sẽ truyền tai nhau về loại sầu riêng tệ của Việt Nam. Và phản ứng của thị trường sẽ nhanh chóng tẩy chay các loại này, lúc đó giá của loại trái cây này sẽ hạ xuống và người nông dân sẽ gánh hậu quả.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Hậu, ủy viên hội Nông dân Việt Nam, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, thực tế cho thấy giai đoạn đầu các thương lái, nhất là thương lái Trung Quốc thường đẩy giá các loại nông sản lên mức cao bất thường, điều này làm ảnh hưởng tới mặt hàng giá tiêu dùng trong nước và giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản.
Gây bất ổn tình hình an ninh trật tự
"Sau khi tăng giá lên cao, thống lĩnh thị trường thì các đối tượng này thường sử dụng chiêu trò ép giá người nông dân hoặc mua hàng hoá xong rồi bỏ trốn, không trả tiền hàng cho người nông dân. Điều này không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại các địa phương", luật sư Hậu chia sẻ.
Theo Hà Nguyễn - Ngọc Lài - Chí Thanh - nguoiduatin.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]