Ngay đầu tháng 5, HSBC đã công bố một báo cáo được xem là khá tích cực: Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tháng 4/2014 đạt mức kỷ lục kể từ tháng 4/2011, lên 53,1 điểm. Báo cáo của HSBC cũng nhấn mạnh đến một số chỉ báo tích cực khác như: số lượng đơn hàng mới tăng mạnh ở mức cao kỷ lục, số việc làm tăng sau khi giảm vào tháng 3; các DN sản xuất đẩy mạnh mua nguyên liệu lần đầu kể từ tháng 10/2013 với kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới.
Đáng chú ý, chi phí đầu vào tăng với tốc độ cao nhất kể từ tháng 9/2013, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, DN sản xuất đã giảm giá thành sản phẩm nhằm kích thích tiêu dùng. Các diễn biến này phù hợp với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp trong khi tổng mức bán lẻ, theo Tổng cục Thống kê, cải thiện trong những tháng qua. Diễn biến này cho thấy, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu phục hồi...
Tuy nhiên, khi kết hợp báo cáo PMI với các biến số khác như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo… có thể nhận thấy các DN vẫn gặp khó khăn.
Cũng như biến động của PMI, chỉ số IIP đã đạt mức tăng cao nhất trong ba năm qua, trong khi tỷ lệ tồn kho công nghiệp chế biến chế tạo bình quân trong quý I/2014 lên đến 80,7%, cao hơn nhiều so với mức bình thường khoảng 65%. Đây có thể là nguyên nhân khiến NĐT lo ngại triển vọng kinh doanh của các DN trong thời gian tới.
Còn nhiều nhân tố tác động
Ngoài nỗi lo trên, NĐT còn phải đối mặt với thực tế những thông tin được xem là lực đẩy của thị trường sẽ yếu hẳn. Cụ thể là những thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2014 với các cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn lên thị trường hầu hết đã công bố; thông tin kế hoạch kinh doanh cho năm 2014 và thông tin chia cổ tức cũng đã được xác định...
Do đó, giới đầu tư sẽ có thể chuyển hướng, nhắm vào các cổ phiếu có mức chia cổ tức cao, cổ phiếu thưởng thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong khi hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, khó có thể kỳ vọng xu hướng đầu tư này diễn ra trên diện rộng.
Kế đến là nỗi lo từ dòng vốn ngoại. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm quy mô gói nới lỏng định lượng QE3 lần thứ 4 liên tiếp cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Việc rút vốn liên tục trong thời gian gần đây của các quỹ ETF càng làm tăng thêm lo ngại này.
Bên cạnh đó là thông tin liên quan đến việc xét xử những vụ án hình sự lớn. Một trong các mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư ở tháng 5 này là thông tin về các vụ xét xử liên quan đến quan chức Vinalines, “Bầu Kiên”, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, hay vụ việc thất thoát hàng trăm tỷ đồng tại Vinafood 2… Những thông tin dạng này luôn khiến giới đầu tư e ngại và hạn chế mở rộng giao dịch.
Cuối cùng là khoảng trống thông tin tích cực và dòng tiền đầu cơ. Trong bối cảnh nhiều thông tin chưa rõ ràng và thiếu vắng động lực hỗ trợ, nhiều khả năng giới đầu tư sẽ còn thận trọng và hạn chế giao dịch trong tháng này. Như vậy, hoạt động bán dứt khoát tại các mã cổ phiếu đầu cơ trước đó có thể diễn ra mạnh hơn, khi mà hoạt động margin đã được tận dụng triệt để trong thời gian qua.
Cơ hội đầu tư trung và dài hạn
Đáng sợ hơn cả đối với NĐT hiện nay là những rủi ro đến từ áp lực giải chấp. Tuy nhiên, những rủi ro này thường lắng xuống ở vài phiên bởi sự tham gia tích cực của dòng tiền bắt đáy dựa trên nền tảng của yếu tố cơ bản vĩ mô vẫn đang ổn định. Giao dịch 3 phiên đầu tháng 5/2014 có thể xem là minh chứng điển hình cho nhận định trên. Sự khởi đầu không thuận lợi của tháng 5/2014 cũng đã mang lại không ít lo ngại đối với NĐT.
Thống kê dữ liệu lịch sử của VN-Index kể từ năm 2001 cho thấy, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm là thời gian thị trường mang lại tỷ suất sinh lợi thấp nhất. Từ năm 2001 đến 2013, chỉ có 4/13 lần VN-Index có tỷ suất sinh lợi dương, tỷ suất sinh lợi trung bình cho giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 là -2%.
Ngược lại, giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm thường đi kèm diễn biến tích cực của thị trường, với tỷ suất sinh lợi bình quân lên đến 26%.
Dựa trên bối cảnh vĩ mô và dòng tiền hiện tại, chuyên gia của CTCK Rồng Việt cho rằng, TTCK năm 2014 sẽ có bước đi tương tự như năm 2013 (tăng nhẹ trong tháng 6) và việc thị trường sụt giảm như vừa qua chính là cơ hội giúp NĐT trung và dài hạn tìm được điểm mua hợp lý đối với những cổ phiếu có triển vọng sáng trong năm nay.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]