Chi phí lớn, lợi nhuận lớn
Theo ông Albert Kong, Chủ tịch công ty Asiawide Franchise, tiềm năng về nhượng quyền trong lĩnh vực ăn uống, nhà hàng tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, một thị trường nhượng quyền sơ khai như Việt Nam còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Để tham gia hệ thống nhượng quyền từ nước ngoài, doanh nghiệp cần có số vốn rất lớn.
Trước hết là chi phí cho một hợp đồng nhượng quyền thường từ 20.000 USD lên đến cả triệu USD. Bên cạnh đó là các khoản phí nghiên cứu về khách hàng, địa điểm kinh doanh, các khoản phí xây dựng, huấn luyện tại các cửa hàng, phí hằng tháng cho việc sử dụng nhãn hàng và thương hiệu...
Đơn cử, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu KFC phải tốn hơn 1 triệu USD ban đầu cho các khoản phí nhượng quyền 25.000 USD, trả tiền bản quyền 500 USD/tháng, phí marketing: 5% tổng thu nhập. Ngoài ra, cho dù việc kinh doanh của bên mua không thuận lợi thì vẫn phải nộp cho bên chủ thương hiệu một khoản phí định kỳ dựa trên doanh số bán ra.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP): "Mang được các thương hiệu cà phê Illy, Doninos Pizza, Popeyess, Burger King, Dunkins Donuts... vào Việt Nam rất gian truân. Thời gian để họ tìm hiểu là đồng ý hợp tác phải từ 18 đến 24 tháng, và lúc đó không có mặt bằng nào chờ mình, nên có những cam kết khắt khe về vị trí, quy mô cửa hàng rất khó đảm bảo. Có thương hiệu còn yêu cầu rất cao, như phải đầu tư cao cấp, phải có ít nhất 9 cửa hàng theo quy định thì mới được mở nhiều cửa hàng tiếp theo, và vị trí cửa hàng phải nằm ở nơi trung tâm...".
Theo hợp đồng thỏa thuận với các thương hiệu fastfood, tổng số tiền IPP phải bỏ ra đầu tư là 200 triệu USD. Và hiện tại, chi phí xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối cho các thương hiệu thức ăn nhanh của IPP đã phải đầu tư hết 20 triệu USD, và trung bình một năm rưỡi, chi phí đầu tư cho các cửa hàng đã trên 20 triệu USD. Nghĩa là IPP còn phải tiếp tục bỏ ra 160 triệu USD nữa để tiếp tục đầu tư theo cam kết.
Dù việc mua nhượng quyền chi phí khá gian truân, nhưng với hấp lực lợi nhuận cao nên những năm qua, các thương vụ nhượng quyền vẫn diễn ra khá sôi động. Đơn cử, chi phí mua nhượng quyền của McDonalds khoảng 1 triệu USD, và theo tiết lộ của đơn vị mua nhượng quyền, phía McDonalds cam kết có thể hoàn vốn 1 triệu USD chỉ sau một năm kinh doanh.
Ông Đoàn Đình Hoàng, sáng lập chuỗi cà phê Passion, cũng cho biết, với số vốn đầu tư khoảng một tỷ đồng, tùy vị trí mặt bằng, doanh số của các đơn vị mua nhượng quyền sẽ dao động từ 25 - 30 triệu đồng mỗi tháng.
Rủi ro cũng lớn
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng tư vấn thêm: "Không phải mua nhượng quyền của các thương hiệu nổi tiếng là an toàn và đảm bảo lợi nhuận, nhất là khi các công ty mẹ gặp sự cố”. Chẳng hạn, một cửa hàng Pizza Hut ở TP.HCM đã bị rút quyền kinh doanh thương hiệu trong năm qua, do kinh doanh không tốt.
Hoặc vài năm trước, khi Cháo Cây Thị còn thời "hoàng kim", chủ thương hiệu này đã thu được trên 10 tỷ đồng nhờ nhượng quyền, trung bình 800 triệu - 1 tỷ đồng/cửa hàng. Tuy nhiên, sau thông tin Cháo Cây Thị có chất bảo quản Natri Benzoat chống ôi thiu, nhiều cửa hàng mua nhượng quyền thương hiệu này đã sụt giảm doanh thu một cách thê thảm.
Chủ một cửa hàng nhượng quyền Cháo Cây Thị trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 TP.HCM cho biết, đã phải đóng cửa dù mới chỉ thu được một phần ba số tiền bỏ ra mua nhượng quyền. Hay mới đây, thông tin hệ thống Bread Talk ở nước ngoài nằm trong danh sách sử dụng dầu bẩn, khiến nhiều khách hàng ở Việt Nam hoang mang...
Ông Hạnh Nguyễn chia sẻ: "Chìa khóa thành công của tôi là khi mình chưa đủ kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong lĩnh vực, thì nên chia miếng bánh thị trường cho các tập đoàn có thế lực, vì họ có kinh nghiệm và tài chính. Vì vậy, IPP đã hợp tác với Tập đoàn AutoGrill, vốn có thế mạnh là độc quyền tại các sân bay quốc tế và đang quản lý trên 250 thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, muốn mở một ngành hàng nào thì mình phải có nhân sự trong ngành đó, và họ phải từng làm việc cho các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, lĩnh vực fastfood, tôi đã mời được Tổng giám đốc của Autogrill khu vực Á Châu trước đây về phụ trách điều hành nhân sự, quản lý. Hoặc ngành thời trang, tôi mời được cựu Tổng giám đốc khu vực Bắc Mỹ Tập đoàn DFS về làm phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh"...
Trung Nguyên vốn là thương hiệu Việt đầu tiên nhượng quyền ra thế giới, và đã triển khai hình thức này từ rất sớm tại Việt Nam. Vì vậy, thương hiệu này không tránh khỏi những khó khăn, và một số đơn vị nhận nhượng quyền cũng không thành công.
Đại diện chuỗi cà phê Trung Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi ưu tiên và chú trọng những đối tác có sự yêu thích, quan tâm đến cà phê, và mong muốn kinh doanh bằng các sản phẩm, mô hình từ cà phê Trung Nguyên. Chỉ khi đối tác có được sự chia sẻ, đồng cảm và hiểu về ý nghĩa kinh doanh của mô hình thì chúng tôi tin rằng, các yếu tố kiểm soát về chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ được tự giác tuân thủ”.
Ngoài những ứng dụng công thức của chuỗi nhượng quyền thương mại, có hai điểm nổi bật khiến mô hình kinh doanh nhượng quyền của Trung Nguyên đến nay vẫn phát triển tốt, một là chất lượng cà phê đồng nhất và không gian quán thân thiện để luôn tạo sự hứng khởi cho khách hàng.
Rất khó khăn để quản lý hệ thống quán cà phê Trung Nguyên lên đến hơn 2.500 và 10.000 quán có bán cà phê Trung Nguyên một cách đồng nhất.
Song, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, cho rằng: "Người ta thường lấy tính đồng nhất của hệ thống làm thước đo của chất lượng một hệ thống nhượng quyền. Điều đó là đúng, nhưng chỉ đúng khi so sánh tính đồng nhất đó với trình độ phát triển chung của thị trường. Tức là thị trường càng phát triển, quốc gia càng phát triển, tính đồng nhất đòi hỏi càng cao. Nhượng quyền phải mang tính mở, nhất là đối với các thị trường mới như Việt Nam".
Ông Vũ cho biết thêm, Singapore và Malaysia đều có thời điểm tiếp cận với hình thức nhượng quyền giống nhau. Mỗi nước có một cách làm khác, nhờ tính linh hoạt mà hoạt động nhượng quyền tại Singapore phát triển hơn Malaysia.
Với Trung Nguyên, Brain Station Coffee là mô hình nhượng quyền nhằm cung cấp mô hình khởi nghiệp dành cho giới trẻ và những người yêu thích kinh doanh quán cà phê, hoạt động dưới hình thức chuỗi quán "Coffee take away" linh hoạt, theo phong cách mới, hiện đại và trẻ trung.
Theo ông Vũ, Trung Nguyên đang trong giai đoạn đóng gói mô hình để phát triển nhanh tại Việt Nam và tập trung mở rộng tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang và sẽ mở rộng ở các tỉnh - thành. "Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ nhượng quyền ra khối ASEAN+1, tạo bước đệm cho việc chinh phục thị trường Mỹ và các quốc gia phát triển khác", ông Vũ khẳng định.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]