“Ép” chè ra búp trái vụ
Xã Vô Tranh, huyện Phú Lương là một trong những vùng trồng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên. Ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, anh Đinh Quốc Văn được biết đến là một nông dân ham học hỏi, sáng tạo ra cách làm mới để nâng cao năng suất, chất lượng cây chè. Chính anh Văn là người đi đầu trong việc ứng dụng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Vô Tranh. Anh được người dân bầu làm Tổ trưởng sản xuất chè VietGAP ở xóm Trung Thành 1.
Anh Đinh Quốc Văn đã chịu khó tìm tòi, áp dụng kỹ thuật trồng, sản xuất chè mới đem lại hiệu quả cao hơn. Ảnh: G.T
Lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Phú Lương cho biết đã tham mưu với lãnh đạo huyện để nhân rộng mô hình sản xuất của anh Văn, góp phần nâng cao hiệu quả từ trồng chè cho người dân. |
Với vai trò là Tổ trưởng, anh Văn đã đi vận động người dân trong xã tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, chăm sóc và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Văn cho hay: “Chúng tôi phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm, sau thu hái không được để chè lâu, sao chè cũng không được để lẫn nước, tránh bị giập búp chè. Các thành viên trong tổ đóng tiền để mua máy đóng gói, hút chân không cho sản phẩm chè”. Nhờ cách làm mới, giá trị chè thành phẩm trước đây chỉ 100.000 – 150.000 đồng/kg đã được nâng lên thành 200.000 – 300.000 đồng/kg.
Nhưng thế là chưa đủ, anh Văn luôn mong muốn phải nâng được giá trị của sản phẩm chè. Nhất là việc có thể sản xuất thêm được lứa chè trái vụ, tăng giá trị kinh tế.
Anh Văn kể: “Mỗi năm chè cho thu hoạch từ 6 - 7 lứa, chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 10, còn vào mùa đông do thời tiết lạnh nên chè thường chậm phát triển. Từ năm 2014, để cây chè phát triển không phụ thuộc vào thời tiết tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu cách làm chè trong nhà kính khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 15 độ C”.
Ban đầu, anh Văn đơn giản dùng tre, nứa, nylon làm giàn che khoảng 700m2 diện tích chè. Kết quả là vụ đông đầu tiên gia đình anh thu hoạch được 30kg búp khô mỗi lứa, giá bán đạt 400.000 đồng/kg, gấp đôi so với chè chính vụ.
Đến năm 2015, anh Văn đã đầu tư khung giàn che bằng kim loại để chăm sóc chè vào mùa đông. Theo tính toán, với việc trồng trong nhà kính, giá trị chè tăng gấp đôi, với 1 ha chè trước đây anh Văn chỉ thu nhập được khoảng 600 triệu. Nếu chuyển hết sang sản xuất trong nhà kính thì doanh thu sẽ đạt xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.
Nhân rộng mô hình sản xuất
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc sản xuất chè trong nhà kính không chỉ giúp tăng năng suất cây chè khi thời tiết lạnh mà còn có nhiều ưu điểm khác. Cụ thể, người trồng chè giảm được tần suất tưới chè do trong nhà kính độ ẩm của đất được giữ tốt hơn. Bên cạnh đó, khi được che phủ bảo vệ, cây chè hạn chế được sự phát triển của sâu bệnh, các loại côn trùng gây hại, tránh được sương muối ảnh hưởng đến búp chè.
Đại diện Phòng NNPTNT huyện Phú Lương đánh giá mô hình của anh Đinh Quốc Văn là mô hình khá mới ở địa phương, đã đem lại hiệu quả bước đầu. Bên cạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng, sản xuất chè, anh Văn còn tìm cách bảo quản chè trong tủ bảo ôn.
“Đây là phương pháp có thể giữ được hương vị và màu sắc của chè như vừa thu hái trong thời gian dài. Anh Văn cũng đã đầu tư 4 tủ bảo ôn để bảo quản được trên 1 tấn búp chè khô” – bà Lê Thị Thúy- nguyên Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Lương cho hay.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]