Qua khảo sát nhanh của PV tại một số chợ lớn tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông, chợ Nhà Xanh... nhiều mặt hàng như quần áo, bánh kẹo trước đây thường được các chủ cửa hàng nhập về từ Trung Quốc để bán với số lượng lớn do mẫu mã đẹp, giá thành rẻ mà lại dễ bán thì ở thời điểm hiện tại gần như không còn.
Theo anh Trần Văn Thanh, chủ một cửa hàng bán quần áo tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) cho biết: "Trước đây, chúng tôi thường theo xe nhập hàng với số lượng lớn các loại quần áo từ Trung Quốc tại các chợ gần biên giới về dưới xuôi để bán nhưng kể từ khi có thông tin một số loại quần áo của Trung Quốc có chứa chất độc hại cho người mặc thì hầu hết khách hàng đến mua đã giảm hẳn do lo ngại chất lượng của quần áo".
Cũng theo anh Thanh cho biết, khách đến mua hàng hiện nay thường rất kỹ tính trong việc lựa chọn quần áo để mặc cho mình và người thân nên hầu hết đều chọn các loại quần áo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là các loại quần áo của Việt Nam đã bắt đầu được nhiều người lựa chọn hơn trong khi đó các loại quần áo xuất xứ từ Trung Quốc tiêu thụ chậm nên nhiều chủ cửa hàng khá "ngại" nhập về do khó bán.
Không chỉ các loại quần áo mà nhiều mặt hàng khác như quần áo, bánh kẹo, hoa quả khô… có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc mà không đảm bảo về chất lượng cũng đã bắt đầu vắng bóng khi bị người tiêu dùng “quay lưng”.
Chị Nguyễn Thu Thủy - chủ một kiot bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân khẳng định, ở thời điểm này bất cứ chủ cửa hàng bán bánh kẹo nào mà nhập hàng từ Trung Quốc về thì cầm chắc… lỗ vốn. Nguyên nhân theo chị Thủy là do hiện nay người tiêu dùng rất kỹ tính khi mua các loại bánh kẹo, trái cây khô.
“Khách mua hàng bây giờ nếu bình dân thì cũng lựa chọn bánh kẹo do Việt Nam sản xuất, nếu cao cấp hơn thì mua hàng của Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ,… chứ chả còn ai hỏi mua các loại bánh kẹo do Trung Quốc sản xuất nữa” – chị Thủy cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều người tiêu dùng hiện nay có tâm lý khá thận trọng khi sử dụng các loại hàng của Trung Quốc nhập về theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Anh Vũ Tiến Đức (Trung Tự, Đống Đa) cho biết sau khi nghe thông tin trên báo đài về việc nhiều loại bánh kẹo Trung Quốc nhập về Việt Nam có chứa chì, phẩm màu, hóa chất độc hại thì hiện nay gia đình anh dù có bất kỳ công to, việc lớn gì cũng lựa chọn dùng hàng Việt Nam vì giá thành vừa phải lại yên tâm khi sử dụng.
“Cơ hội lớn cho hàng Việt Nam”
Lý giải về việc người tiêu dùng hiện nay quay lưng với hàng Trung Quốc và bắt đầu quay sang sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất như hiện nay, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thì lý do hàng đầu dẫn tới việc này là do lo ngại về chất lượng.
Theo ông Hùng thì hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam bằng nhiều nguồn, cùng với hàng chính ngạch, còn có hàng tiểu ngạch và ngoài ra còn có hàng buôn lậu. Nhưng nhiều mặt hàng không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Từ hàng gia dụng, đồ chơi trẻ em, rau, củ, quả, phủ tạng động vật, gà thải loại... có chứa hóa chất, thuốc bảo quản độc hại chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người tiêu dùng hiện nay không còn "mặn mà" đối với hàng Trung Quốc.
Theo ông Hùng thì ở thời điểm hiện nay, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế, như sản xuất, tiêu thụ tại chỗ, sẽ có sức cạnh tranh về cước vận chuyển, giá nhân công, hiểu tâm lý người tiêu dùng hơn, đang được người tiêu dùng ủng hộ và việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam là hành động thiết thực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động.
Cùng quan điểm này, bà Trần Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc Cty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng, đại diện tập đoàn Hương Sen, chủ sở hữu nhãn hàng bia Đại Việt cho rằng trước đây do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều người tiêu dùng trong nước do ham rẻ nên ít để ý đến nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của sản phẩm nên các loại hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc tràn sang đã lấn át đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây khi đời sống của người dân được nâng lên, nhiều người đã bắt đầu để ý hơn về chất lượng cũng như xuất xứ của các loại hàng hóa nên rõ ràng đây chính là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp nội địa nếu sản xuất ra các loại hàng hóa đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước”, bà Trần Thị Ngọc Bích chia sẻ.
"Trước đây hàng Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Do vậy trước phong trào tẩy chay hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc rõ ràng là cơ hội cho hàng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị trường, củng cố vị thế của mình đối với người tiêu dùng bằng những hành động thiết thực. Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu ai đó lợi dụng thời cơ này để nâng giá, ép giá.
Hành vi đó nếu có là đi ngược lại phong trào yêu nước mà mỗi người dân đang thể hiện bằng nhiều cách hết sức phong phú, ôn hòa, đúng pháp luật", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS)
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]