Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng mới được hãng đo lường Nielsen công bố, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2017, đạt 117 điểm – mức điểm cao nhất trong 5 năm qua, qua đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ năm toàn cầu về mức độ lạc quan.
Trái ngược với sự biến động của thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong nửa đầu năm, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Sự tăng trưởng mạnh mẽ chính là kết quả của sự lạc quan khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt, báo cáo chỉ ra.
Trong thời đại của Internet, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng theo dõi sát sao hơn đến những gì đang xảy ra trên thị trường, họ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi sự truyền miệng cũng như thông tin từ các phương tiện truyền thông xã hội và họ cũng nhanh chóng phản ứng với những thông tin đó. Chính điều này góp phần khiến họ trở thành những người tiêu dùng có xu hướng liên tục thay đổi.
Báo cáo cho thấy so với năm ngoái, người tiêu dùng ở Việt Nam không còn là người tiết kiệm nhất trên toàn cầu. Có 63% người Việt Nam để dành tiền vào tiết kiệm, giảm 13 điểm phần trăm so với quý trước), đứng sau cả Thái Lan (69%), Singapore và Indonesia (66%).
Cùng với xu hướng giảm tiết kiệm, người tiêu dùng tại Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn. Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy rằng, sau khi chi trả cho các phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 1/3 người tiêu dùng Việt sẵn sàng để chi cho du lịch, mua sắm quần áo mới, các sản phẩm công nghệ mới, sửa chữa nhà cửa và các dịch vụ giải trí bên ngoài.
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy lần đầu tiên 23% người tiêu dùng Việt Nam đã mua các gói bảo hiểm y tế cao cấp.
“Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi lối sống của họ rất nhanh và họ ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những khoản mục lớn nhằm mục đích nâng cấp đời sống của họ. Điều này phản ánh mong muốn mạnh mẽ của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành của Nielsen Việt Nam, nhận xét.
Trong quý này, 5 mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ nguyên so với quý 4/2016. Tính ổn định về công việc tiếp tục dẫn đầu danh sách các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt. Các mối quan tâm lớn tiếp theo là sức khỏe, cân bằng công việc/cuộc sống, và nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang hướng tới cuộc sống lành mạnh hơn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi sức khoẻ và sự an khang liên tục xuất hiện trong top 5 mối quan tâm lớn nhất, bà Quỳnh nói, đồng thời khuyến nghị các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cần phải nắm bắt xu hướng này để đổi mới và đưa ra những sản phẩm tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.