Những năm gần đây, cuộc sống của người Dao ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đang dần khấm khá nhờ cây quế. Không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo, giúp người dân địa phương vươn lên làm giàu, cây quế còn gắn liền với nét văn hóa của người dân tộc Dao.
Gắn thương hiệu cho cây quế
Viễn Sơn là xã đi đầu trong chất lượng và sản lượng quế. Vào những ngày thu hoạch, có tới hàng chục xe ôtô chở đầy vỏ quế khô, lá quế và gỗ nườm nượp ra cho các xưởng, doanh nghiệp tư nhân chế biến ở ngoài thị trấn. Theo ông Doãn Hải Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, ở xã này người Dao chiếm đến 70% dân số. Đa số các hộ dân trong xã đều trồng quế. Xã đã quy hoạch sản xuất được hơn 1.500ha quế.
Cây quế gắn liền với đời sống và làm giàu cho người Dao ở huyện Văn Yên. Ảnh: Y.L
Huyện Văn Yên có trên 40.000ha quế, chủ yếu là diện tích quế được trồng tập trung. Huyện đang quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao, bảo tồn được 90 cây quế trội, 14,5ha quế tập trung để cung cấp giống quế tốt cho người dân và phục vụ du lịch sinh thái - ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho hay. |
Nói về nguồn gốc loại cây này, ông Sơn cho hay: Trước đây, người ta không gọi cây quế mà gọi là cây quý. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, có người Dao tên là Bàn Phú Sáu lên rừng, thấy và nhổ 3 cây quế về trồng, đến khi quế lớn ra hoa đơm quả ông lấy hạt và trồng cả một vùng quế.
Bây giờ, mỗi năm, toàn huyện Văn Yên bán ra thị trường khoảng 9.000 tấn quế vỏ, 290 tấn tinh dầu quế cùng nhiều sản phẩm liên quan đến quế, thu về cho người dân khoảng trên 500 tỷ đồng. “Trước kia, cây quế chưa mang lại hiệu quả, nhưng những năm gần đây, thực hiện chủ trương phát triển cây quế để xóa đói giảm nghèo; cùng với đó, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu quế Văn Yên, nên nhiều gia đình đã đầu tư, chăm sóc vườn quế theo hướng thâm canh đạt năng suất cao. Nhờ cây quế, nhiều hộ không những thoát được nghèo đói mà còn vươn lên làm giàu” - ông Doãn Hải Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho hay.
Yêu lao động từ đồi quế
Không chỉ về mặt kinh tế, đối với đồng bào Dao huyện Văn Yên, quế còn mang biểu tượng văn hóa, tinh thần của bà con từ thuở xa xưa. Ở đây, khi dựng vợ, gả chồng cho con, quế sẽ là một trong những thứ làm của hồi môn không thể thiếu cho con làm vốn, tạo kế sinh nhai.Cưới hỏi là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong nét văn hóa của người dân tộc Dao. Với người Dao ở Văn Yên, mỗi khi con cái họ sinh ra đã được trồng cho một đồi quế, tùy theo diện tích đất nhà rộng đến đâu và phụ thuộc số lượng người con, cha mẹ sẽ trồng, đợi khi con lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ trao tặng lại vườn quế.
Khi các con còn bé, bố mẹ sẽ là người trồng và chăm sóc quế, chăm sóc bao gồm việc làm cỏ quế, bón phân. Còn khi các con lớn, bố mẹ sẽ chia cho mỗi con một mảnh hoặc một đồi quế để con tự chăm sóc và thu hoạch. Ở nhiều bản làng người Dao, trẻ con lên năm đã biết theo mẹ lên nương, đồi cao trồng quế.
Chị Triệu Mùi (20 tuổi), trú tại xã Châu Quế Hạ trước khi về nhà chồng được bố mẹ trao cho 1 đồi quế thay của hồi môn, với diện tích gần 1ha quế đến độ thu hoạch. Chị Mùi chia sẻ: “Lấy chồng, bố mẹ cho đồi quế để làm vốn, nhờ thế mà cuộc sống cũng bớt khó khăn”.
Ông Triệu Tiến - cán bộ xã Mỏ Vàng cho hay: Người Dao tặng quế thay vì những món đồ trang sức xa xỉ, vì cho rằng đây là món quà ý nghĩa, thiết thực đối với con cái. Khi còn sống, quế giúp “đuổi” đói nghèo, khi chết đi họ muốn con cái tiếp tục sự nghiệp trồng và bảo tồn những nét văn hóa đẹp của dân tộc mình.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]