Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện tại, trang trại trùn quế của nữ nông dân trẻ Trần Thị Bê (Củ Chi, TP.HCM) đang cung cấp cho thị trường các loại phân bón hữu cơ được sản xuất từ trùn quế với sản lượng trung bình 300 tấn mỗi tháng.
Gian nan chặng khởi đầu
Trần Thị Bê nhớ lại, thời gian còn trồng và kinh doanh rau sạch, cô thường sử dụng phân trùn quế bởi những lợi ích và sự an toàn của loại phân bón này. Tới tháng 4.2015, Bê quyết định dừng việc kinh doanh rau sạch để cùng những người bạn của mình tìm hiểu, xây dựng trang trại nuôi trùn quế. “Phân trùn quế là phân hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, không có chứa thành phần hóa học hay kích thích. Nó an toàn cho người sử dụng, thích hợp cho tất cả các loại cây trồng” - Bê cho biết.
Trang trại được xây dựng theo mô hình khép kín, có diện tích hơn 1ha, nằm trong khuôn viên của một khu vườn trồng cao su ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Phía dưới những tán cây cao su là hàng trăm lều nuôi trùn quế. Bê cho biết, trùn quế được nuôi bằng phân bò thu mua ở Củ Chi.
Sản phẩm phân trùn quế của Trần Thị Bê đóng gói cẩn thận trước khi chuyển tới các đại lý. Ảnh: Hoàng Thắng
Những ngày đầu nuôi trùn, do thiếu kinh nghiệm nên có lần Bê và các bạn làm đàn trùn chết ngạt. Bê chia sẻ: “Người nuôi trùn phải quan tâm tới nhiều yếu tố như chuồng trại, chất nền và giống, môi trường sống…”. Vừa trò chuyện, Bê vừa kiểm tra độ ẩm của trại trùn quế bằng cách nắm 1 nắm hỗn hợp sinh khối nhỏ và thả ra. Cô cho biết, trong thân trùn quế có 60 - 80% là nước. Do đó, cần thường xuyên tưới nước ít nhất 2 lần/ngày để đảm bảo cung cấp đủ nước cho trùn quế.
“Chuồng trại phải luôn đảm bảo sự thông thoáng và lưu thông khí. Nếu nuôi trùn quy mô lớn thì làm chuồng bằng tấm bạt nylon, mái che lợp bằng lá lá dừa, cỏ tranh. Chất nền bắt buộc phải sạch, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, con giống phải khỏe. Khoảng nhiệt độ từ 20 tới 28°C thích hợp nhất cho trùn quế sinh trưởng và phát triển…”- Bê chia sẻ.
Đưa sản phẩm sạch tới nhà nông
Mỗi lần khách hàng thắc mắc, em đều giải thích tường tận về phân trùn quế và lợi ích của loại phân bón này với cây trồng. Em còn xin trồng thử 1 vườn mẫu sử dụng phân trùn quế để khách hàng có thể chứng kiến sự thay đổi của cây trồng, trước khi quyết định mua sản phẩm…”. Trần Thị Bê |
Tới thời điểm thu hoạch, cả trang trại lại bận rộn với việc hốt phân trùn, đóng gói sản phẩm. Bê cùng các thành viên khác trong nhóm tìm về các vùng nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố để giới thiệu sản phẩm.
Hiện tại, phân trùn quế của Trần Thị Bê đang phân phối cho thị trường các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông… Trong đó, phân trùn quế gồm hai sản phẩm: Phân tươi bón trực tiếp và phân được sấy khô, sàng lọc, xử lý bằng công nghệ. Sản phẩm mang lại doanh số cao nhất là phân trùn quế tươi. Mỗi tháng Bê xuất ra thị trường khoảng 300 tấn, doanh thu đạt 300 triệu đồng.
Bê nhớ lại: “Khi sản phẩm mới ra mắt thị trường, có những ngày em cùng 1 người bạn khác nhóm phải xuất phát từ 3 giờ sáng để đi về các tỉnh, thành giới thiệu sản phẩm. Song kết quả của phần lớn những chuyến đi là lời từ chối của khách hàng, nhiều đại lý thậm chí không chào đón...”. Theo Bê, phân trùn quế không phải quá xa lạ với nông dân.
Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người trộn tạp chất làm giả phân trùn quế khiến nông dân quay lưng với loại phân này. Ngoài ra, đặc thù của phân bón hữu cơ là tác dụng chậm lên cây trồng. Phải mất khoảng 1-2 tháng nông dân mới có thể nhìn thấy hiệu quả, trong khi đó phân bón hóa học chỉ mất 3-5 ngày. Hiện tại, Bê đang hợp tác với một số chuyên gia để nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm phân bón vi sinh có nguồn gốc tự nhiên khác.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]