Tại Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập TPP, TS. Dương Xuân Tuyển- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova đánh giá, khi gia nhập TPP ngành chăn nuôi sẽ đứng trước tình thế sống còn nếu không có bước tiến về giống, kỹ thuật, giá thành….
Theo TS. Tuyển, thị trường thực phẩm hiện nay đang có tình trạng bị thương lái thao túng giá để thu lợi. Trong khi người chăn nuôi phải bán với giá thấp, chấp nhận lỗ thì người tiêu dùng luôn phàn nàn phải mua thịt với giá ngất ngưởng.
Cụ thể, TS. Tuyển cho biết, tại vùng Đông Nam Bộ, theo kết quả điều tra cho thấy đối với gà công nghiệp có thời gian nuôi khoảng 42 ngày, trọng lượng khoảng 2,5kg. Tổng các khoản chi phí chăn nuôi hết hơn 63.000 đồng/con. Trong đó, chi phí thức ăn chiếm 46.750 đồng, con giống giá 10.000 đồng, thuốc thú y 2.500 đồng, điện 1.870 đồng, lao động 500 đồng, trả lãi vay 200 đồng…
Còn đối với gà thịt lông màu, thời gian nuôi khoảng 63 ngày, trọng lượng đạt 1,6kg. Tổng cộng các khoản chi phí hết 61.000 đồng/con gà nhưng riêng tiền thức ăn đã chiếm hơn 75%, tương đương với 46.000 đồng.
Như vậy, với giá bán bình quân là 26.000 đồng cho một kg thịt, người chăn nuôi gà công nghiệp lãi gộp 2.012 đồng/con, trừ khấu hao, có hộ lãi ròng 1.512 đồng/con, nếu chỉ sử dụng lao động gia đình thì bình quân mỗi con gia cầm xuất chuồng hộ có thêm thu nhập 500 đồng/con.
Với giá bán bình quân 40.000 đồng cho 1kg thịt, người chăn nuôi gà lông màu có lãi gộp 3.091 đồng/con, khầu trừ hao, hộ có lãi ròng 2.891 đồng/con. Nếu hộ sử dụng lao động gia đình thì bình quân mỗi con gia cầm bán đi có thêm thu nhập 507 đồng.
Trong khi người chăn nuôi trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, đầu tư nhiều vốn, bỏ nhiều công sức nhưng lợi nhuận thu được thấp hơn nhiều so với những người thu gom, giết mổ, bán buôn và bán lẻ.
Ví dụ gà xuất chuồng bán với giá 26.000 đồng qua 4-5 khâu trung gian thì bán tại chợ đầu mối là 50.000 đồng và đến tay người tiêu dùng là 60.000- 70.000 đồng/kg. Giá sản phẩm đã bị đội lên từ 50- 80% so với giá bán tại trại.
Kết quả là để sản xuất ra một con gia cầm xuất chuồng, người chăn nuôi mất từ 42- 70 ngày, lãi từ 2.000- 3.000 đồng/con, còn lại hầu như lỗ, hàng loạt trang trại phải đóng cửa hoặc cho các công ty thuê trại, nuôi gia công cho các công ty lớn.
Ngược lại, cơ sở giết mổ, thu gom thì thu lợi từ 10.000- 15.000 đồng/kg. Tương tự người kinh doanh gia cầm chỉ cần 6-10h thì có thể lãi 8.000- 14.000 đồng khi tiêu thụ một con gia cầm.
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay chuỗi sản xuất của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, giá thành sản phẩm thịt gia cầm, giống chiếm tới 15%, phí thức ăn chiếm tới 70% nhưng công lao động của người chăn nuôi lại rất thấp.
Việc thương lái không đầu tư bao nhiêu như thu nhập chiếm tới 21% là bất cập. Điều này không khuyến khích người chăn nuôi tiếp tục sản xuất.
Theo TS. Dương Xuân Tuyển, Nhà nước cần xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, chính sách thuế, lệ phí thú y trong chăn nuôi. Cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tham gia. Đồng thời có cơ chế điều hành giá bán sản phẩm hoặc tồn trữ sản phẩm vào thời điểm dội hàng giảm áp lực, tránh tình trạng rớt giá cho người chăn nuôi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]