Cảnh hái chè bằng tay gần như đã không còn vì không năng suất
Những bất cập trong quy hoạch cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu đang tạo ra một nghịch lý, những DN không hề đầu tư vào vùng nguyên liệu thì sống khỏe, ngược lại, DN càng đầu tư lớn cho nông dân càng thua lỗ nặng.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8/2014, lượng chè XK ước đạt 11.000 tấn, kim ngạch XK đạt 20 triệu USD. Tám tháng đầu năm 2014, lượng chè XK ước đạt 83.000 tấn, giảm 6,9%, thu về 139 triệu USD giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Giá chè XK bình quân đạt 1.655 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Pakistan vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam, tăng 60,32% về khối lượng và tăng 92,43% về giá trị. Thị trường Kuwait có tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 70,6% về lượng và tăng 74,35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Hỏng vì "mua tranh, bán cướp"
Mặc dù lượng chè XK tăng mạnh tại hai thị trường Pakistan và Kuwait nhưng đây là những thị trường tương đối dễ tính. Đáng buồn là thời gian qua, nhiều thị trường XK đã suy giảm, ngành chè đang từ chỗ xuất sản phẩm đi 77 quốc gia thì nay chỉ còn có thị phần tại 61 nước. Đặc biệt EU là thị trường khó tính nhưng thường mua hàng với giá cao đã tuột khỏi danh sách Top 10 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam.
Nguyên nhân xuất phát từ những bất cập trong nội tại của ngành chè. Tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 135.000 ha chè, nhưng có tới 70% sản lượng chè được trồng bởi các nông hộ nhỏ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Đại diện Hiệp hội chè Việt Nam (VITAS) cho biết, vấn đề bức xúc tồn tại dai dẳng của ngành chè trong hàng chục năm qua là tình trạng "một người bán, vạn người mua". Thực hiện chính sách kinh tế mở, từ năm 2000 đến nay, nhiều địa phương đã cấp phép quá dễ dãi cho các DN xây dựng cơ sở chế biến chè mà không cần các điều kiện ràng buộc, không có quy hoạch đồng bộ giữa phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến.
Điều này đã dẫn tới tình trạng các nhà máy được phép xây dựng tràn lan, chồng chéo vùng nguyên liệu, lấn át lẫn nhau. Có những nơi trên cùng một xã có tới 11 nhà máy chế biến.
Với trên 455 cơ sở chế biến có tổng công suất khoảng 400.000 - 5000.000 tấn chè khô/năm nhưng chỉ có 5% nhà máy có vùng nguyên liệu riêng. Như vậy, công suất chế biến đang vượt gấp 2-3 lần khả năng cung ứng nguyên liệu. Vì thế, hàng năm ngành chè chỉ tạo ra khoảng 185.000-200.000 tấn chè khô.
Sự lệch pha quá lớn giữa cung và cầu trong ngành chè khiến các vùng nguyên liệu chè đang bị phá nát bởi nạn "mua tranh, bán cướp". Các nhà máy, cơ sở chế biến luôn trong tình trạng "khát" nguyên liệu ngay trong vùng sản xuất. Từ đó xuất hiện nghịch lý, nhiều DN chỉ chăm chăm lo mua nơi này bán cho nơi kia, không chịu đầu tư một xu vào vùng nguyên liệu lại đang thắng thế so với các DN chân chính đầu tư bài bản cho nông dân về kỹ thuật canh tác, phân bón, thuốc trừ sâu lại chịu lỗ nặng.
Cuộc chiến khốc liệt chính thức diễn ra khi những người nông dân thu hoạch, thay vì bán hàng cho DN đầu tư cho vườn nhà mình, những nông dân này lại ham lợi, bán hàng cho những mối làm ăn chộp giật với giá cao hơn.
Ông Nguyễn Duy Chánh, Giám đốc Công ty Chè Mộc Châu, (Sơn La) cho biết mặc dù mỗi năm công ty này đầu tư cả chục tỷ đồng tiền phân bón, thuốc BVTV đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân nhưng mỗi vụ mùa chỉ thu mua được tối đa 70% lượng chè trên vùng nguyên liệu, còn lại bị thất thoát do các cơ sở mi ni vơ vét.
Tái thiết để cứu ngành chè
Ts. Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch VITAS, cho biết việc thiếu nguyên liệu trầm trọng đã dẫn đến thói quen cẩu thả của nông dân, người dân thay vì thu hái bằng tay đã dùng liềm và máy để thu hoạch chè. Họ không thu búp chè mà còn cắt cả búp lẫn lá, cuộng rồi vứt lên công nông làm cho chè kém ngon và còn bị héo trước khi chế biến.
Bên cạnh đó, để nhanh có sản phẩm, họ đã không ngại ngần lạm dụng thuốc BVTV, kích thích tăng trưởng để thúc cây phát triển nhanh. Đã có thời gian, tại nhiều địa phương như Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên còn rộ lên nạn chè bẩn còn gọi "thổ phỉ", người dân trộn cả tạp chất để bán với trọng lượng nặng hơn khiến uy tín của ngành chè Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo ước tính của Hiệp hội Chè, việc mất cân đối cung - cầu trong ngành chè khiến toàn ngành bị thiệt hại_530 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, nhiều DN chân chính đã trở thành nạn nhân của việc tranh mua tranh bán dẫn tới phải đóng cửa nhà xưởng, phá sản, trong đó có cả những DN có tên tuổi trực thuộc Tổng Công ty chè Việt Nam (Vinatea).
Ông Tài cho rằng không thể để tồn tại những cơ sở không có cây chè nào nay mua tranh chỗ này, mai tranh chỗ khác tồn tại được vì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nông dân. Nông dân sẽ bị ép giá, mãi luẩn quẩn với "cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Chính vì thế, ông Tài đề nghị các địa phương cần rà soát và siết chặt lại các cơ sở chế biến chè trên địa bàn của mình. Việc này không có gì quá phức tạp, chỉ cần chiếu theo các quy định theo Quy chuẩn cơ sở chế biến chè do Bộ NN&PTNT ban hành theo luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, nếu cơ sở nào không đáp ứng được các yêu cầu tiến hành nhắc nhở, xử lí và nặng có thể tước giấy phép kinh doanh.
Trước những bất cập dẫn đến nguy cơ đổ vỡ của ngành chè, VITAS đã kiến nghị với Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương tái thiết lại ngành chè theo chuỗi giá trị trên từng địa bàn. VITAS đề nghị Chính phủ thành lập Ban điều phối ngành chè quốc gia, có sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương và VITAS.
Hiệp hội cũng đề nghị UBND các tỉnh điều chỉnh quy hoạch, tiến tới phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Rà soát từng cơ sở chế biến chè theo các quy định tại Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về cơ sở chế biến chè theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kĩ thuật. Những cơ sở chế biến không đáp ứng quy chuẩn kĩ thuật, không có vùng nguyên liệu cụ thể thì kiên quyết xử lí theo quy định của pháp luật.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]