Giá cước vận tải án binh bất động gây bức xúc cho hành khách. Ảnh: Ngọc Châu.
Giá cước phải giảm tiếp
Cuối tuần qua, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định giá cước vận tải giảm 3-10% là tương đối hợp lý. Nhận định về vấn đề này, chiều 20/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: Chưa đủ điều kiện để đánh giá việc giảm cước như vậy đã thỏa đáng hay chưa. Cần phải nói rõ hơn, kết luận đó là kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra từ gần 2 tháng trước; không phải thời điểm Bộ công bố thông tin. Hai tháng trước, thời điểm giá dầu vào khoảng 70-75 USD/thùng.
Để đánh giá cần có thanh tra, kiểm tra tính đủ chi phí mới đánh giá được, nhưng giá đã sát với thực tế thời điểm đó. Ông phân tích thêm, có đơn vị giảm giá cước 10% là hợp lý, nhưng có doanh nghiệp giảm giá cước chỉ 3% cũng hợp lý bởi giá thành dịch vụ đơn vị này cao hơn. “Có thể hợp lý với người này, nhưng không hợp lý với người khác. Quản lý giá là câu chuyện dài. Cần nói đúng thời điểm, đúng mặt bằng, đúng điều kiện đầu vào mới đánh giá được”, Bộ trưởng Dũng nói.
Ông Dũng nhận định về diễn biến mới của giá cước vận tải: Hiện giá dầu đã tụt xuống còn 45-47 USD/thùng, giá cước cần phải giảm tiếp để đảm bảo quyền lợi người dân. Tuy nhiên, ông Dũng không đưa ra mức nào cụ thể, bởi ông cho rằng: Về nguyên lý thị trường, kinh doanh vận tải hiện đang cạnh tranh nhiều. Cạnh tranh sẽ do thị trường tự điều tiết. Doanh nghiệp kinh doanh có nhu cầu có lợi nhuận cao, người tiêu dùng muốn giá dịch vụ rẻ. Cơ quan quản lý nhà nước đứng giữa sẽ điều phối sao cho hợp lý các bên thông qua thanh tra, kiểm tra và quy định pháp luật.
Cần Chính phủ ra tay
Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với việc giá xăng dầu trong nước đã giảm rất mạnh trong nhiều tháng qua, nhưng các doanh nghiệp vận tải không giảm cước cho thấy dấu hiệu bắt tay nhau không giảm giá.
“Địa phương nào muốn trợ giá thì tự bỏ tiền ra”, Bộ trưởng Dũng nói về thông tin một số đơn vị tại TPHCM xin trợ giá cước vận tải dịp Tết Ất Mùi 2015.
Trong trường hợp này, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phải đi khảo sát, phân tích cơ cấu giá thành của các doanh nghiệp và công bố cho người dân được biết. Cùng đó hai cơ quan trên phải tính toán và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá tương ứng với chi phí thực tế. Bản thân Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng phải vào cuộc. Đây là thời điểm rất nhạy cảm khi từ nay đến Tết, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao.
Vào thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước mà không ra tay, vẫn cứ đùn đẩy, ngó nghiêng, đá bóng trách nhiệm nhau như vừa qua là không được. Chừng nào cơ quan quản lý của tài chính, công thương, vận tải còn “đứng ngoài cuộc”, người tiêu dùng sẽ còn bị thiệt thòi rất nhiều.
“Giá cước vận tải không giảm sẽ khiến cây đào, cây quất, gà, lợn, cá cùng tất cả các mặt hàng khác bị đội giá lên do phải trả chi phí vận tải cao một cách không hợp lý. Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh và các Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm rất lớn trong việc trả lại công bằng cho người dân, không để các doanh nghiệp vận tải bắt tay móc túi người tiêu dùng công khai như vậy. Còn nếu các bộ ngành thấy khó quá, không hợp tác được với nhau để áp dụng các biện pháp buộc doanh nghiệp giảm giá cước thì có thể đề nghị lên Chính phủ xem xét xử lý”, ông Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, cước vận tải không giảm không phải là việc nhỏ và hết sức không bình thường. Khi không có thị trường cạnh tranh hoàn hảo mà lại có dấu hiệu doanh nghiệp bắt tay nhau để giữ giá; cơ quan chức năng phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]