Nhưng những tín hiệu ấy chưa đủ cho thấy ngành xi măng đã ra khỏi những khó khăn nội tại.
Theo Bộ Xây dựng, kết thúc 8 tháng của năm 2014, sản lượng clinker và ximăng xuất khẩu ước đạt 9,68 triệu tấn, trong đó riêng xi măng là khoảng 2,49 triệu tấn.
Tại thị trường trong nước, tiêu thụ xi măng cũng đạt mức tăng trưởng tốt, tháng sau cao hơn tháng trước. Xi măng đã tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ tháng thứ 5 liên tiếp, đạt bình quân 5 – 6 triệu tấn/tháng. Trong tháng 8, tiêu thụ xi măng trong nước đạt 4,19 triệu tấn, cao hơn tiêu thụ trong tháng 7.
Đạt kế hoạch
Tính tổng cộng qua 8 tháng của năm 2014, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ là 42,53 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đạt khoảng 32,85 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013, xuất khẩu xi măng và clinker đạt tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Về tỷ lệ, xi măng và clinker xuất khẩu đã tăng, bằng khoảng gần 30% so với sản lượng tiêu thụ trong nước, và chiếm khoảng trên 20% tổng sản lượng toàn ngành 8 tháng qua.
Về giá, theo Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM), xi măng và clinker xuất khẩu đang có giá tương đối ổn định. Trong tháng 9/2014, giá xi măng và clinker xuất khẩu dao động trong khoảng 54,5 USD/tấn – 55 USD/tấn đối với xi măng và khoảng 38,2 USD/tấn – 39 USD/tấn đối với clinker, tăng khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường trong nước, giá bán xi măng của các nhà máy thuộc VICEM giao động trong khoảng 1,22 triệu đồng/tấn khu vực phía Bắc, 1,38 triệu đồng/tấn khu vực miền Trung và khoảng 1,65 triệu đồng/tấn tại miền Nam. Giá này là tương đối tốt so với kế hoạch lợi nhuận của các nhà máy.
Hiện, giá xi măng bán lẻ trên thị trường trong nước cao hơn khoảng 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với giá bán của nhà máy. Đáng chú ý, do tiêu thụ xi măng hiện đã hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, nên các DN phía Nam cũng tăng cường mua xi măng từ miền Bắc để đưa vào phía Nam tiêu thụ.
Từ đó, góp phần bình ổn giá xi măng tại thị trường này, thậm chí, trong một số thời điểm và tại một số địa bàn, giá xi măng khu vực phía Nam còn giảm xuống thấp hơn cả giá bán tại nhà máy lớn nhất của VICEM ở phía Nam. Chẳng hạn, có thời điểm giá bán lẻ xi măng tại Đồng Nai chỉ còn 1,46 triệu đồng/tấn, nhưng giá xi măng tại nhà máy VICEM Hà Tiên 1 là 1,65 triệu đồng tấn.
Kết thúc 8 tháng, lượng tiêu thụ và xuất khẩu xi măng, clinker là tương đối đúng với dự báo này, về kế hoạch, sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu xi măng, clinker tương đương 67,7% kế hoạch năm.
Có nhiều nguyên nhân giải thích về sự hồi phục của ngành xi măng trong thời gian gần đây. Đầu tiên là sự hồi phục thị trường bất động sản và xây dựng, với hàng loạt dự án được đẩy nhanh thời gian xây dựng, rao bán sau thời gian đóng băng. Mặt khác, từ cuối năm 2012, hướng xuất khẩu xi măng được mở ra, được đẩy mạnh trong năm 2013 đã có tác dụng khơi thông hoạt động xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam trong năm 2014. Trước đó, trong suốt nhiều năm, các chuyên gia đã cảnh báo về thực tế dư thừa công suất và các dự án xi măng. Tuy nhiên, việc mở rộng được thị trường và tăng được sản lượng xuất khẩu xi măng cho thấy các DN đã tìm được hướng khai thác tốt nhất của lợi thế xi măng Việt Nam.
Vẫn âu lo
Về giá, giá xi măng, clinker tại thị trường một số nước ASEAN như Indonesia, Malaysia… luôn trong khoảng trên 50 USD/tấn, có thời gian lên tới trên 75 USD/tấn, thì giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam vào khoảng 54,5 USD/tấn – 55 USD/tấn, và khoảng 38,2 USD/tấn – 39 USD/tấn đối với clinker cùng chất lượng.
So sánh về giá cho thấy xi măng và clinker xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn, trong khi chất lượng thì tương đương. Do thế, các sản phẩm của ngành xi măng Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang được các thị trường lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, mà còn xuất khẩu sang cả Trung Quốc – quốc gia trong một số thời điểm xuất khẩu clinker thậm chí với giá chỉ khoảng 30 USD/tấn, bằng với giá thành sản xuất.
Trước đó, trong giai đoạn đầu năm 2014, sản lượng xi măng tồn kho khoảng gần 2,5 triệu tấn đã gây áp lực lên các DN sản xuất. Theo các chuyên gia, thực tế sản lượng tồn kho này là không lớn, chỉ vào khoảng 15 ngày tiêu thụ, nên không gây áp lực về năng lực sản xuất. Tuy nhiên, lượng vốn lưu động bị "chôn" trong sản phẩm tồn kho mới gây áp lực với các DN về thanh khoản tiền mặt cho sản xuất.
Điều đó tiếp tục cho thấy điểm yếu về tiềm lực tài chính của các DN xi măng vẫn chưa được khắc phục. Về lâu dài, điểm yếu này sẽ dễ bị các đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu xi măng khai thác, làm thiệt hại, hoặc giảm lợi thế cạnh tranh của xi măng Việt Nam.
Đến cuối 2014, tổng công suất sản xuất của các nhà máy xi măng trên toàn quốc sẽ lên tới gần 85 triệu tấn/năm. Như vậy, xuất khẩu được xi măng và clinker là giải pháp duy nhất giải bài toán dư thừa công suất của các nhà máy. Tuy nhiên, ngay trong hiện tại thì các DN đã rất dễ bị ép giá xi măng xuất khẩu vì thiếu khả năng chịu đựng về tài chính, nếu xi măng tồn đọng quá 1 tháng.
Điều này cho thấy, để khai thác lợi thế giá rẻ và giải bài toán thừa công suất sản xuất hiện nay, thì ngay từ bây giờ đã phải tính tới việc hình thành cơ chế tài chính, điều phối để dự phòng, chống "sốc" cạnh tranh về giá, về sản lượng của các quốc gia nhập khẩu xi măng, clinker Việt Nam.
Đồng thời với đó là chuẩn bị điều kiện pháp lý, chi phí cho việc có thể bị kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm xi măng, clinker Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Ngành xi măng hoàn toàn có thể chuẩn bị và rút được kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra, thép…
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]