Sự thật mỹ phẩm xách tay
Nắm bắt được tâm lý “xính ngoại”, những Shop bán hàng mỹ phẩm xách tay online đang nở rộ trên các mạng xã hội. Chỉ cần gõ google cụm từ “mỹ phẩm xách tay” đã có tới 7.140.000 kết quả trong vòng 0,63 giây. Tuy nhiên ít người biết rằng, mỹ phẩm xách tay đang được coi là những mầm mống gây lên vấn nạn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái. Bởi lẽ, người tiêu dùng thường hiểu, “mỹ phẩm xách tay” là những loại mỹ phẩm được nhập khẩu dưới dạng là quà tặng, quà biếu, cán bộ đi công tác nước ngoài, khách du lịch mang về.
Theo quy định tại Thông tư 06/2011 của Bộ Y tế quy định về việc nhập khẩu mỹ phẩm nhập khẩu, trong một số trường hợp đặc biệt, mỹ phẩm phải làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và không phải thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu trong định mức 1 triệu đồng. Các mẫu mỹ phẩm nhập khẩu dưới các hình thức này đều không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, các mặt hàng mỹ phẩm phục vụ cho các đoàn ngoại giao, nhân viên đại sứ quản, thì cũng phải có các văn bản xác nhận chỉ dành riêng cho các nhân viên ngoại giao, đại sứ quán và cũng không được phép bán ra ngoài.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lợi - Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, trong các văn bản quy định của Nhà nước không bao giờ có thuật ngữ hàng xách tay. Do vậy, mỹ phẩm xách tay chính là mầm mống, là đầu mối của các hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả.
Đừng “dễ dãi” khi mua mỹ phẩm
Không những được coi là “mầm mống” gây lên vấn nạn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái, thì một số loại mỹ phẩm xách tay cũng chưa chắc đã phù hợp với làn da của người Châu Á. Bởi vì điều kiện thời tiết, cấu trúc làn da cũng như sở thích thói quen… của người Châu Âu, Châu Mỹ cũng khác với người Châu Á.
Ông Nguyễn Văn Cường, đại diện hãng mỹ phẩm C’N cho rằng, đối với đa số người tiêu dùng Việt vẫn mang một tâm lý “xính ngoại”. Và đây cũng chính là “điểm yếu” của người tiêu dùng để mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái tận dụng len lỏi vào thị trường. Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ, công dụng của sản phẩm, và hãy là “người tiêu dùng thông thái”.
Ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam cho biết, hiện nay thực trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng diễn biến rất phức tạp về cả quy mô, tính chất, địa bàn tới đối tượng vi phạm. Ông Lam cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề này đầu tiên cần thay đổi về nhận thức. “Từ người xây dựng chính sách đến người tiêu dùng cần hiểu tác hại của sản phẩm giả, nhái. Thứ 2 là thực thi: Cơ chế chính sách có nhiều điểm chưa phù hợp thông lệ quốc tế nên hiện nay hàng giả nhái rất nhiều. Thứ ba là Cục quản lý ở địa phương cần nâng cao vai trò hơn nữa. Thứ tư là vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng cần bỏ tâm lý, thói quen dễ dãi khi mua sắm”.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương: Chúng tôi kêu gọi người tiêu dùng giúp chúng tôi – những nhà sản xuất mong muốn sản xuất sản phẩm tốt - sản xuất sản phẩm tốt chắc chắn giá sẽ phải cao, mua sản phẩm chính hãng là cách ủng hộ cho xã hội phát triển". Ông Denis Choi - Giám đốc Marketing Thế giới mỹ phẩm K-Beauty Hàn Quốc: Chúng tôi sẽ thông qua đối tác đang phân phối sản phẩm mỹ phẩm C’N tại Việt Nam, ký cam kết với các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để bồi thường thiệt hại nếu sức khỏe của người sử dụng bị ảnh hưởng mà nguyên nhân được xác định là do các sản phẩm mỹ phẩm C’N gây ra. Ông Trần Hùng – Cục phó Cục quản lý thị trường: Chúng tôi nhận thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước còn chưa được chặt chẽ có những cơ quan vẫn còn giữ kín thông tin.. Do đó, phải dám làm và làm công khai để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng". |