Đến nay đã một tháng khi năm đoàn thanh tra tiến hành thanh tra năm doanh nghiệp (DN) sữa nhưng vẫn chưa có kết quả về việc các DN này có bắt tay tăng giá hay không. Và biện pháp cuối cùng và “cứng rắn” nhất mà Bộ Tài chính nêu ra là áp trần đối với sữa. Tuy nhiên, về lâu dài cần có biện pháp căn cơ để quản lý giá sữa.
Thanh tra sữa gặp nhiều khó khăn
Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả thanh tra, liệu có khó khăn gì trong việc này ?
+ TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM:Vinamilk, Abbott và Dutch Lady - ba đơn vị chiếm thị phần lớn trên thị trường sữa đã lên tiếng phủ nhận việc bắt tay nhau làm giá. Có các giải thích đưa ra cho việc tăng giá sữa như do giá nguyên liệu sữa bột tăng nên buộc phải tăng giá bán. Có đơn vị thì lấy cớ đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sử dụng các nguyên liệu chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu về dinh dưỡng và sức khỏe cho người tiêu dùng… Thế nên phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan thanh tra dựa trên các bằng chứng cụ thể.
Những vấn đề nào còn tồn tại khiến giá sữa Việt Nam bị đẩy cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực?
+ Giá sữa tại Việt Nam, đặc biệt là sữa nhập khẩu (nguyên liệu và thành phẩm) đang chịu tác động rất lớn của thuế nhập khẩu lên đến 10%, mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng 10% cũng được áp dụng cho các sản phẩm sữa nói chung và sữa công thức cho trẻ em nói riêng. Đây là mức khá cao so với các nước trong khu vực như 0% của Malaysia và Hong Kong, 7% của Thái Lan và Singapore.
Chưa kể quản lý giá sữa thời gian qua đã không hiệu quả. Ví dụ: Theo quy định hiện hành, DN chỉ có thể dành khoản chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng không ít các hãng sữa ngoại đã chi cho quảng cáo gấp nhiều lần mức cho phép.
Phải phát triển nội lực trong dài hạn
Thưa ông, để ổn định giá sữa thì trước mắt cần cú hích nào?
+ Trước mắt cần thiết lập các thủ tục kiểm tra chặt chẽ toàn ngành công nghiệp sữa, điều chỉnh lại mức thuế còn cao đối với mặt hàng này. Đồng thời phạt nặng các trường hợp vi phạm Luật Giá.
Việc áp giá trần sẽ trở nên dễ dàng được thực hiện hơn nếu đưa các tên gọi thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vào Luật Giá để đảm bảo việc kê khai giá sữa mang tính chính thức. Từ đó kiểm soát và khống chế được giá sữa. Đây là việc nên được sớm thực hiện.
Về lâu dài thì thế nào, thưa ông?
+ Chúng ta cần phải có một cái nhìn và kế hoạch, chiến lược dài hạn về thị trường sữa. Phải ứng dụng công nghệ cao trong tất cả khâu sản xuất sữa để chủ động nguồn cung trong nước. Nếu trên 10 năm tới có thể tăng số lượng đàn bò sữa lên 1 triệu con thì có thể nâng sản lượng sữa lên khoảng 7 triệu tấn/năm. Nếu có tiến trình chuẩn bị tốt, chất lượng không thua kém sản phẩm ngoại, giá bán rẻ thì sữa bột sản xuất Việt Nam có thể thay thế các sản phẩm nhập khẩu hoặc thậm chí đánh bại các đối tác nước ngoài. Đồng thời có thể sau 10 năm, ta có thể bán sản phẩm cho thị trường nước ngoài.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]