Anh Nguyễn Thế Điển, sinh năm 1989, sống ở xã Dũng Tiến mới 22 tuổi đã tậu được xe, mua được nhà. Bí quyết kiếm tiền của anh Điển là nhận thêu áo bào phục chế từ các triều vua chúa trong cung đình hoặc đền thờ. Mỗi chiếc áo có giá từ 80 – 100 triệu đồng. Những chiếc áo long bào đính vàng hoặc đá quý có giá lên đến 200 – 300 triệu đồng/sản phẩm.
Ngoài nhận thêu áo phục chế, anh còn nhận thêu áo cho những người hầu đồng, giá 3-8 triệu đồng/chiếc. Từ đây, anh mở xưởng thêu ngay tại nhà, gồm 20 thợ lành nghề. Khách hàng từ các nơi đến xưởng nhà anh đặt áo khá đông. Trung bình mỗi năm, anh có 2-3 khách đặt áo phục chế và cả trăm bộ áo hầu đồng.
Người thêu áo phục dựng phải là người có tay nghề cao. Cũng vì vậy mà ngày công cho thợ thêu cũng được tính gấp 2, 3 lần so với ngày thường.
Để có thể phục chế và dựng những chiếc áo long bào, anh phải nghiên cứu mẫu mã hàng tháng trời, kết hợp các đoàn đi thực tế tại cơ sở. Anh cho biết, phải làm như vậy mới có thể hoàn thiện mẫu một cách chính xác. “Là áo phục dựng trong cung đình nên đường may cho đến các hoạ tiết nhỏ nhất cũng phải y nguyên. Hoa văn và đường thêu cầu kỳ, mỗi chiếc áo phải mất đến 8 tháng hoặc một năm mới hoàn thành”, anh Điển nói.
Còn đối với áo thêu hầu đồng sẽ dựa theo mẫu do thợ tự chế. Mỗi bộ áo được thêu trong khoảng thời gian 15-20 ngày. Những bộ đặc biệt, công phu, nhiều hoạ tiết có thể kéo dài ngày hơn với giá thành cao hơn, khoảng 24 – 25 triệu đồng/sản phẩm. Mẫu mã áo bào ngày càng phong phú, đa dạng, thường thay đổi theo hoạ tiết của Mã Lai, Trung Quốc, hoặc theo ý tưởng của khách hàng.
Những chi tiết thêu tay phức tạp và công phu. 3 loại vải thường được sử dụng thêu áo long bào là phi, lụa, gấm.
Với anh Điển và nhiều thợ may, thêu ở xưởng này, nghề thêu áo long bào mang lại thu nhập khá cao, vì đơn hàng cứ liên tục. Vào những dịp cuối năm, cận tháng lễ hội, mọi người làm không hết việc, nhiều khi phải thức đêm để làm cho kịp tiến độ. Anh Điển cho biết, mấy năm gần đây, khách hàng là kiều bảo bên Mỹ về đặt khá nhiều. Có khách hàng đặt 4 bộ hầu đồng cùng lúc. Thu nhập hàng năm của anh lên đến tiền tỷ.
Vợ chồng chị Đỗ Thị Duyên (Đông Cứu – Thường Tín) cũng gắn bó với nghề thêu khăn chầu, áo ngự hơn 20 năm nay. Chị Duyên không nhớ được dạy nghề thêu từ khi nào, nhưng ngay thời học cấp một, chị đã phụ bố mẹ thêu kiếm tiền. Lấy chồng cùng làng, hai vợ chồng ngoài thêu thuê ở xưởng còn nhận hàng về nhà làm, thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Công thêu mỗi người được gần 4 triệu đồng một tháng kèm thêm nhận hàng về nhà kiếm thêm 2-3 triệu đồng. “Không như nghề khác phải cần mẫn chuyên về một mối, làm thêu vẫn có thể kết hợp cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn”, chị Duyên tâm sự.
Mảnh vải thêu chuẩn bị được may thành áo.
Theo chị Duyên, trẻ em, thanh niên trong làng gần như ai cũng biết nghề. Do vậy, ít người đi học hay làm xa. “Nhiều thanh niên mới 19, 20 giỏi giang mối lái khách hàng từ Mỹ, cũng xây được nhà cao, tậu được xe xịn”.
Theo Tinmoi
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]