Chứng kiến tận mắt những khâu trong dây chuyền sản xuất miến, nhiều người tiêu dùng sẽ cái nhìn khác về những loại miến trông... sạch mắt trên thị trường.
Giật mình với miến bẩn hối hả vào tết
Dương Liễu, Minh Khai là hai làng nghề chuyên làm mì, bún, miến, phở… có tiếng tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhu cầu từ thị trường lớn nên nghề này giúp cả làng có việc, đắt hàng quanh năm. Đặc biệt, vào thời điểm cận tết, các làng nghề tại đây luôn ở trong tình trạng hoạt động tối đa công suất để phục vụ miến bán ra thị trường tết.
Tuy nhiên, chứng kiến “công nghệ” sản xuất ở đây, nhiều người sẽ không khỏi giật mình bởi tình trạng mất vệ sinh đi kèm với sử dụng hoá chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng của một số cơ sở miến. Trong vai một người tìm mua miến về bán dịp tết, một chủ cơ sở sản xuất miến ở thôn Minh Hiệp 2 (xã Minh Khai) không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về những “thủ thuật” trong nghề.
Theo vị chủ cơ sở, để làm miến bột dong sau khi nghiền bột dong và lọc lấy tinh bột, tùy vào yêu cầu về màu sắc miến mà chủ hàng sẽ dùng các loại hóa chất mà người ta vẫn gọi là thuốc trắng và thuốc tím hòa với axít để tẩy trắng bột. Thay vì cách làm truyền thống mất nhiều thời gian, năng suất thấp, nhiều hộ dân đã tìm sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa, phẩm màu để tạo ra nhiều màu sắc cho miến, từ trắng đến thâm đất hoặc vàng óng...
Không ai dám tin, số bột dong đã nghiền để vạ vật dưới đất này sẽ được dùng để làm miến.
Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn lo ngại việc sử dụng hóa chất sẽ gây độc hại cho người dùng, vị này liền gạt tay: “Độc hại gì đâu, việc sử dụng thuốc tím để tẩy khuẩn, còn thuốc trắng sẽ làm bột dai, dẻo và để được lâu hơn”.
Cảm nhận đầu tiên là một mùi chua, nồng của bột lẫn với mùi khăm khẳm của những rãnh nước thải không qua xử lý, được thải ra từ những cơ sở chế biến bột. Bã dong riềng cũng không được thu gom để xử lý mà được được đổ đầy ngoài đường. Thậm chí, các dụng cụ được sử dụng đển chiến cũng nhếch nhác, không đảm bảo các quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều thùng phuy gỉ sét, máy móc ố vàng cũng được dùng ngâm bột, hay những chiếc thùng tôn, sắt mới cũng cáu bẩn vì lâu ngày chưa được cọ rửa. Việc phơi miến cùng tùy tiện và được người dân tận dụng từ không gian sân, đến đường làng, ngõ xóm. Thậm chí, miến còn được phơi gần cống nước thải. Những phên tre để phơi mốc cũng đều được được dùng làm giá phơi.
Người tiêu dùng bó tay với miến bẩn?
“Miến màu gì cũng có, cần bao nhiêu cũng được” - chị Nguyễn Thị H - chủ cơ sở làm miến ở xã Dương Liễu công khai quảng cáo về khả năng làm miến theo mong muốn của khách.
Lý giải thêm về điều nay, theo chị H, do nhu cầu khách hàng đa dạng, nhiều người lại thích miến có màu trắng đẹp mắt, nhưng do chất bột không tự tạo được màu đó nên trong quá trình chế biến, việc thêm phẩm màu vào là cần thiết.
Không chỉ sử dụng hóa chất để tạo màu cho miến, nhiều chủ cơ sở còn gian dối khi pha trộn thêm sắn (miến dong) để giảm giá thành sản xuất, đánh lừa người tiêu dùng. Điều đáng nói, những “công nghệ” trên không phải người dân nào cũng có thể tự phát hiện. Nguyên nhân là do người tiêu dùng các mặt hàng miến, mì, phở khô chủ yếu mua hàng dựa vào kinh nghiệm và niềm tin về xuất xứ.
Trong khi nhiều cơ sơ sản xuất vì cái lợi mà sử dụng cả những cách thức sản xuất miến không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội khuyến cáo, người dân khi mua miến trong dịp tết nên mua loại miến có màu xám đen về ăn, không nên sử dụng loại màu trắng, vàng, hồng bắt mắt.
Bởi, cho đến hiện tại, qua các mẫu kiểm tra, loại miến có màu xám đen vẫn chưa xuất hiện hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, người dân cũng nên lựa chọn những cơ sở bán hàng uy tín, chất lượng để mua. Hạn chế tối đa việc mua miến bán rong, trôi nổi trên thị trường.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]