“Tụi tui đã cố gắng hết sức, vét sạch mía trên ruộng để giao cho nhà máy nhưng vẫn không đủ số lượng chữ đường (CCS) như đã đăng ký. Đây là do thiên tai, dịch bệnh chớ tụi tui không đem mía bán cho nơi khác, vậy mà nhà máy không chia sẻ, giờ còn gửi giấy phạt hợp đồng” - ông Cao Văn Thắng (người trồng mía ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) bức xúc.
Cầm tờ thanh lý hợp đồng mua bán mía do nhân viên nông vụ địa bàn của KSC gửi mấy ngày trước, ông Nguyễn Văn Chín (Ninh Tân) cho biết vẫn chưa ký thanh lý vì đang chờ gặp người của công ty để... năn nỉ.
“Niên vụ mía 2014-2015 tôi nhận của KSC 13,8 triệu đồng để đầu tư phân và ký hợp đồng bán đối ứng lại cho công ty hơn 214 CCS. Niên vụ trước, trên diện tích này tôi bán cho KSC hơn 700 CCS, nghĩ vụ này có dở cũng được cỡ 600 CCS nên tôi đăng ký bán cho công ty thêm 386 CCS. Ai dè bệnh trắng lá mía, sùng đất và hạn hán kéo dài làm mía chết nhiều. Vét hết mía trên ruộng tôi cũng chỉ có được tổng cộng gần 375 CCS, thiếu 225 CCS so với đăng ký, bị nhà máy phạt 15.000 đồng/CCS thiếu. Phạt thế này oan cho tôi quá!” - ông Chín bày tỏ.
Nhiều nông dân trồng mía ở Ninh Tân do thiếu sản lượng đã cố gắng chạy vạy nơi này nơi khác mua mía cố bù đắp phần còn thiếu nhằm tránh bị nhà máy phạt. Nhưng do ai cũng thiếu mía nên muốn mua được mía không phải chuyện dễ dàng.
Ông Nguyễn Sỹ Liễm - chủ tịch UBND xã Ninh Tân - cho biết địa phương này có hơn 1.600ha mía, nhưng vì hạn hán năm nay dữ quá nên không đủ nước tưới mía, đất khô bón phân khó khăn dẫn đến năng suất mía giảm chỉ còn khoảng 37 tấn/ha. Do đó nhiều hộ trồng mía không hoàn thành hợp đồng bán mía đã ký kết với KSC.
Trong khi đó ông Trần Văn Minh - chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa - cho rằng nắng hạn, mất mùa, người dân đã khổ, giờ còn phạt hợp đồng là không hợp lý. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị các nhà máy đường không buộc người dân bồi thường hợp đồng trong niên vụ mía năm nay. Trường hợp KSC cương quyết buộc người dân bồi thường hợp đồng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này. Trong khi Chính phủ đang phải chi ngân sách để cứu trợ những vùng bị nắng hạn, giờ mình đi phạt dân thì rõ ràng khó chấp nhận được” - ông Minh nói.
Ông Đỗ Thành Liêm - tổng giám đốc KSC- cho rằng nông dân nào thiếu sản lượng mía do thời tiết tác động thì có thể nhà máy sẽ tính, nhưng nếu thiếu do vi phạm hợp đồng, bón phân chăm sóc không đúng hoặc đem mía bán cho bên thứ ba thì phải phạt.
Theo ông Liêm, công ty phải làm nghiêm việc này bởi thực tế có những hộ làm ăn nghiêm túc đã hoàn thành hợp đồng, thậm chí dư sản lượng, còn một số hộ khác lại kêu thiếu hụt chữ đường.
“Tôi cũng nói thẳng là nếu thiên tai tác động thì phải kêu Nhà nước trợ giúp, HĐND cấp tỉnh phải có chính sách hỗ trợ chứ doanh nghiệp thì không đủ sức cứu đâu!” - ông Liêm nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]