Hạt gạo xứ Mường Trời là điển tích của sự khổ công vun trồng một nắng hai sương của người dân gốc Thái; từ khi Ải Lậc Cậc xa xưa đã biết đắp đập ngăn con suối nhỏ chảy thành dòng để làm nên ruộng bậc thang, cội nguồn của người Thái Mường Then; rồi thời tướng lĩnh áo vải Hoàng Công Chất đánh giặc Phẻ giữ Thành Bản Phủ; đến Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng của quân và dân ta...
Thế mới biết, bao gian lao vất vả, có cả sự hy sinh, mất mát, người Điện Biên mới giữ được vẹn nguyên "cánh đồng vàng".
Từ sau năm 1954, giải phóng Điện Biên Phủ, những người lính trên chiến trận trở về, nay họ lại góp tay xây dựng bản, làng; người thì xuôi về quê cũ, người thì ở lại gắn bó với Điện Biên, mảnh đất họ cùng đồng đội gắn bó những tháng ngày gian khổ “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”.
Ông Phạm Nhất Hổ (84 tuổi) ở C4 (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nguyên là chiến sĩ Điện Biên, kể lại: Sau năm 1954, chúng tôi hành quân về Thanh Hóa để hậu thuẫn cho địa phương thực hiện cải cách ruộng đất. Đến năm 1958, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chúng tôi trở lại Điện Biên để xây dựng vùng kinh tế mới với khẩu hiệu "Lấy nông trường làm gia đình, lấy Tây Bắc làm quê hương".
Trước ngày chúng tôi trở lại Điện Biên, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Bất Bạt (Sơn Tây, Hà Nội) nơi chúng tôi tập trung. Bác căn dặn: "Nhiệm vụ của các cô, các chú bây giờ là lên Điện Biên hướng dẫn bà con lao động SX. Các cô, các chú đã xung phong đi thì làm cho đến nơi đến chốn. Hãy yêu thương giúp đỡ đồng bào dân tộc, cùng chung sức đồng lòng xây dựng Điện Biên".
Từ sau năm 1958, chiến dịch lấp hố bom, đường giao thông hào được thực hiện mạnh mẽ và Nông trường quốc doanh Lai Châu từ đó ra đời. Nhưng khắp cả cánh đồng Mường Thanh ngày ấy, nhân dân chỉ canh tác được 1 vụ lúa mùa; chưa có phân bón thì đi phát cây chó đẻ ủ làm phân xanh bón ruộng.
Ngoài ra, từ khu C2 đến khu C4 và khu C13 được nông trường khai hoang mở rộng diện tích để trồng lạc, trồng mía, trồng ngô... Cũng có nhiều người khi phát cây chó đẻ chạm phải mìn mất mạng, có người cụt cả chân. Nhất là dẫm phải loại mìn cóc, nó không nổ ngay mà nhảy lên ngang ngực mới nổ. Thế mới gọi là mìn cóc. Nhảy như cóc.
Thế rồi, việc khai hoang ruộng đất, di dân vùng xuôi lên miền ngược xây dựng vùng kinh tế mới, san lấp mặt bằng xây dựng đại thủy nông Nậm Rốm, hồ nước Pá Khoang, Pe Luông, Sái Lương... để phục vụ nước tưới tiêu cho cả chục nghìn héc ta của cánh đồng Mường Thanh.
Các giống lúa bao thai lùn, hai linh ba, tạp giao, quy 5... được đưa vào canh tác tăng vụ. Cơ giới hóa được đưa vào giải phóng sức dân, hệ thống kênh mương kiên cố hóa. Ruộng một vụ đưa lên 2 vụ, lối canh tác nhổ mạ lên rồi cắm mạ xuống đã thay bằng gieo vãi, tỉa dặm..
.
Nhiều giống lúa trải qua trên cánh đồng xứ Mường Trời đều cho năng suất, sản lượng tốt. Quãng năm 1998, Điện Biên xuất hiện giống lúa Bắc thơm, Nghi hương, IR64... và cũng từ khi ấy thương hiệu gạo tám Điện Biên sánh ngang với gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định).
Điều đó làm cho cây lúa không bị mất năng lượng, hạt thóc liên tục được bổ sung dinh dưỡng. Điện Biên ít có những ngày thời tiết âm u nên sâu bệnh hại lúa ít phát triển; các loại thuốc hóa học vì thế không được sử dụng nhiều.
Ông Lò Văn Phương, Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên, cho biết: Tổng diện tích của cánh đồng Mường Thanh khoảng 120 km2, thuộc 11 xã của vùng lòng chảo huyện Điện Biên. Nhiều năm nay, bà con trong vùng chủ yếu cấy lúa giống Bắc thơm, Nghi hương... Đây là giống lúa cho gạo ngon, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/ha và bán ra thị trường luôn được giá và giữ giá.
Mặt khác, bà con sau nhiều năm gieo cấy đã có kinh nghiệm riêng cho việc SX giống lúa này bán ra thị trường. Ngoài ra, Điện Biên còn có giống lúa nếp nương hạt to dài như nhộng ong, thổi xôi thơm dẻo cũng được bà con nông dân đặc biệt trỉa hạt, gieo trồng trên những khoảnh đất nương.
Gạo Điện Biên được ví như hạt ngọc bởi bện chặt với người nông dân tảo tần và những tinh túy từ trời, từ đất. Nhưng trong 11 xã của huyện Điện Biên SX gạo tám thơm thì nơi có gạo ngon nhất là xã Thanh An. Hẳn là do nhiều yếu tố, nhưng điều mà thuyết phục nhất, dễ hiểu nhất, có lẽ ấy là do chất đất khu vực Thanh An.
Thế mới biết, để được hạt gạo có biết bao yếu tố cấu thành; từ thiên nhiên, khí hậu, đất đai... đến những con người cần cù lao động. Nhưng vượt lên trên tất cả là những người nông dân yêu đất, yêu cây lúa để chuyển hóa vòng xoay từ hạt thóc ngâm mộng, nảy mầm đến mạ non rồi trở thành thân lúa, từ thân lúa rồi trở thành hạt thóc. Cứ như vậy vòng quy luật ấy không ngừng sinh sôi nảy nở...
Dịp này ở Điện Biên, người từ các nơi tụ về đông hơn thường lệ. Vẻ mặt của những vị cựu chiến binh ai cũng xúc động bùi ngùi như cố nhân lâu ngày gặp lại. Con đường khác, làng xóm khác, phố phường càng khác lạ... duy chỉ có cánh đồng Mường Thanh là cứ mãi ngút ngàn, hết khoác “áo xanh” lại đổi “áo vàng”; nếu màu xanh là hiện diện cho sự sống thì màu vàng lại là màu của sự ấm no và trù phú.
Nếu 60 năm trước đây, cả dân tộc dồn sức chi viện gạo cho Chiến dịch Điện Biên Phủ gánh, thồ ngược dốc bằng cả tháng trời và từ chỗ Nhà nước phải chuyển gạo lên cứu đói hằng năm thì nay các xã vùng lòng chảo Điện Biên đã làm ra đủ gạo, hơn 10 năm qua gạo Điện Biên đã có mặt ở cả Thủ đô Hà Nội và được nhiều khách du lịch chọn làm quà sau những ngày có mặt ở Điện Biên.
Buổi chiều tháng Tư, cánh đồng Mường Thanh vẫn cứ mải mê xanh. Em bé nhà ai cưỡi trâu, để tiếng mõ rơi vô thức xuống trời chiều, nghe “lốc, lốc”. Dòng Nậm Rốm vẫn cuồn cuộn chảy. Ánh nắng chiều tà nghiêng nghiêng trên sườn núi phía Tây. Gió thổi hương lúa bay ngòn ngọt... Thấy thấm thía vị mặn mòi của những giọt mồ hôi và cả những hy sinh, mất mát của lớp lớp người xưa đã quện vào từng thớ đất, từng bờ tre gốc lúa. Để hôm nay, người Mường Trời có cánh đồng vàng lừng danh.
Theo Nongnghiep
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]