Khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều các luật thuế, đưa phân bón vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng đưa vào thực thi từ 1/1 năm nay, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng vì Luật thuế này khiến phân bón trong nước tăng giá, giảm sức cạnh tranh, một số nhà máy mới điêu đứng vì tăng chi phí.
Với mục đích giúp phân bón trong nước tăng sức cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, tại kỳ họp tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều các luật thuế, đưa phân bón vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, ngay khi đưa vào thực thi từ 1/1 năm nay, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng vì Luật thuế này không những không hỗ trợ được gì, mà còn khiến phân bón trong nước tăng giá, giảm sức cạnh tranh, một số nhà máy mới điêu đứng vì tăng chi phí.
Tại sao lại có sự ngược đời này? Nguyên nhân do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), nghĩa là khi mua nguyên vật liệu và các dịch vụ đầu vào vẫn phải mua với giá có thuế, nhưng khi bán sản phẩm không cộng thêm thuế này và Nhà nước cũng không hoàn thuế GTGT đầu vào cho doanh nghiệp. Vì vậy, DN phải tính phần không được hoàn thuế GTGT vào giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán, khiến giá thành sản xuất phân bón sẽ tăng.
Theo ông Nguyễn Duy Khuyến, Công ty supe Lâm Thao (Phú Thọ), chi phí của công ty tăng thêm 100 tỉ đồng nữa. Tương tự, ông Nguyễn Văn Sinh, Công ty sản xuất DAP Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, cả năm nay công ty sẽ lỗ 150 tỉ đồng, phải giảm lương công nhân và nhiều người đã nghỉ việc.
Tại hội thảo được Hiệp hội Phân bón tổ chức mới đây vào ngày 9/4 để giải quyết tình trạng này, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính) cũng thừa nhận: Toàn bộ thuế đầu vào DN phải chịu và tính vào sản phẩm đã làm tăng giá thành và tác động của thuế đến nhà sản xuất trong nước đang có vấn đề. Do đó, hiện các nhà sản xuất trong nước đang kiến nghị sửa đổi theo hướng đưa phân bón về chịu thuế GTGT bằng 0 thay vì đưa ra khỏi diện chịu thuế. Như vậy, DN vẫn được hoàn thuế đầu vào, chi phí sản xuất sẽ không tăng.
Ông Nguyễn Gia Tường – TGĐ Tập đoàn hóa chất Việt Nam cho rằng: Với Tập đoàn Hóa chất, sản lượng phân bón sản xuất trong năm nay nếu được hoàn thuế số tiền 1.785 tỷ đồng, người nông dân sẽ được hưởng. Nông dân không được hưởng lợi sẽ không khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, dù thừa nhận việc Luật 71 đang gây bất lợi cho việc sản xuất của các DN nước, nhưng đại diện Bộ Tài chính vẫn tỏ ra băn khoăn, nếu hoàn lại thuế đầu vào thì có phải toàn bộ được chuyển về cho nông dân không, nông dân có được hưởng lợi hay không? Các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp có lợi cho DN sản xuất trong nước, và đặc biệt hỗ trợ được nông dân, cũng là hỗ trợ nông nghiệp trong nước phát triển trong bối cảnh sức ép của hội nhập quốc tế đang đặt lên ngành này áp lực cạnh tranh rất lớn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]