Tóm tắt
- Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai khi đã có bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng.
- Đại diện các doanh nghiệp BĐS cho biết, nếu phải nộp khoản chi phí này doanh nghiệp sẽ phải phân bổ vào giá bán dự án. Như vậy, người mua nhà sẽ là đối tượng phải chịu ảnh hưởng của quy định mới này.
Từ 1/7, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có một số nội dung mới siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, Điều 56 của Luật quy định, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Trường hợp không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Theo đánh giá của giới phân tích, quy định này sẽ hạn chế rủi ro cho khách hàng khi mua nhà hình thành trong tương lai. Tránh tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở hết vốn, chậm tiến độ, thậm chí “cao chạy xa bay” với hàng trăm tỷ đồng góp vốn của người dân. Điển hình là các vụ việc xảy ra ở Hà Nội gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, như dự án Tricon Towers ở Bắc An Khánh, Hoài Đức; dự án B5 Cầu Diễn ở Từ Liêm; dự án Hesco ở Văn Quán, Hà Đông…
Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho rằng, thực tế đây là một trong những quy định "trói buộc" doanh nghiệp nhưng người chịu thiệt cuối cùng lại là người mua nhà, và xa hơn là thị trường BĐS.
Trả lời truyền thông mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT công ty CP dầu khí toàn cầu cho biết, doanh nghiệp đã liên lạc với một số ngân hàng. Theo tính toán, mức phí bảo lãnh mà các ngân hàng dự kiến thu sẽ vào khoảng 1-2% tổng mức đầu tư dự án.
“Nếu phải nộp khoản chi phí này doanh nghiệp sẽ phải phân bổ vào giá bán dự án. Theo ước tính ban đầu, chi phí này sẽ góp phần đẩy giá bán căn hộ tăng lên mức từ 400 -600 nghìn đồng/m2. Người mua nhà sẽ là đối tượng phải chịu ảnh hưởng của quy định mới này” ông Hiệp nói.
Trước đó, bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng phí bảo lãnh này tuy chưa có cách tính cụ thể nhưng số tiền dự kiến có thể rất lớn nên không có tổ chức tín dụng, ngân hàng nào chịu đứng ra bảo lãnh. Mặt khác, hiện nay doanh nghiệp đã phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ tài chính như chi phí giải phóng mặt bằng, phí sử dụng đất, nếu cộng thêm phí bảo lãnh cho người mua nhà nữa thì doanh nghiệp sẽ lâm vào cảnh cạn vốn.
“Phí bảo lãnh sẽ được doanh nghiệp cộng thêm chi phí đầu vào. Như vậy quy định trên vừa làm khó doanh nghiệp địa ốc, cũng là làm khó người mua nhà. Tất cả các khoản phí này đều cộng vào giá thành cuối cùng của người mua. Xét cho cùng, người mua phải chịu các loại phí này”, ông Châu nói.
Về phía người mua, khảo sát của chúng tôi cho thấy nhiều người đồng tình với quy định mới của Luật kinh doanh BĐS 2014 và đây là một quy định thiết thực, nhằm bảo vệ người mua nhà. Tuy nhiên, phần lớn người mua băn khoăn liệu khi dự án có vấn đề người mua nhà có thực sự được hoàn tiền một cách nhanh chóng hay không. Bên cạnh đó, do dự án hình thành trong tương lai có thời hạn góp vốn lên đến 1-2 năm và mỗi đợt đóng số tiền cũng không hề nhỏ, nếu chỉ được hoàn trả số tiền gốc thì người mua nhà cũng đã bị thiệt.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]