Giá mỗi nơi mỗi kiểu
Hiện, tại các siêu thị như Co.opmart, Lotte Mart, Big C,...người tiêu dùng (NTD) dễ bắt gặp một khu dành riêng cho trái cây ngoại nhập với mầu sắc tươi mới và đẹp mắt. Tại Big C Hoàng Văn Thụ, táo envy Niu Di-lân có giá 109.000 đ/kg, táo Fuji Mỹ 63.900 đ/kg, táo xanh Mỹ 53.900 đ/kg. Tại Lotte Mart (quận 7), táo envy Niu Di-lân 130.000 đ/kg. Còn tại Maximark Cộng Hòa, táo xanh Niu Di-lân 69.400 đ/kg, táo envy Niu Di-lân 123.000 đ/kg. Trong khi đó, tại các chợ lẻ, giá táo envy Niu Di-lân 150.000 đ/kg, kiwi Niu Di-lân vàng 180.000 đ/kg, kiwi xanh 100.000-110.000 đ/kg.
Các loại trái cây ngoại nhập này đều có tem mác đàng hoàng. Đại diện siêu thị Big C cho biết, trái cây ngoại nhập tại siêu thị gồm táo Ô-xtrây-li-a, nho Ô-xtrây-li-a, kiwi, đào Mỹ, che-ri Mỹ, che-ri Ca-na-đa, cam Mỹ, cam Nam Phi, mận Mỹ,... được phân phối từ các nhà cung cấp lớn, có uy tín. Đại diện siêu thị Lotte Mart cũng cho biết, phần lớn các mặt hàng trái cây bán tại Lotte Mart đều do các nhà cung cấp chính như Tony, Rau quả Bình Thuận, Các Lim...
Trưởng phòng ma-két-ting Công ty rau quả Bình Thuận Đỗ Nguyễn Thy Linh, nhà cung cấp trái cây cho các hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh cho biết, táo Niu Di-lân bắt đầu nhập về Việt Nam từ tháng 5. Thời gian vận chuyển khoảng một tháng, do đó các loại táo ngoại nhập có trước thời điểm đó là các loại có xuất xứ từ Chi-lê, Nam Phi... Trong khi đó, táo Trung Quốc có quanh năm nhưng thời gian gần đây không nhập về nữa...Trưởng phòng Linh cũng cho hay, cơ quan Bảo vệ thực vật lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu, nếu đạt quy định thì cấp giấy chứng nhận cho lô hàng.
Lập lờ nguồn gốc
Một nhà nhập khẩu trái cây cho biết, hiện, các loại trái cây xuất xứ từ Trung Quốc ít được nhập về, nếu có thì chỉ theo đường tiểu ngạch. Thông thường, từ tháng 10, táo Mỹ mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, hiện nay, nếu có táo Mỹ là hàng tồn, hàng cũ của năm trước (Mỹ thu hoạch từ tháng 9 - 10 và xuất khẩu đến tháng 5, tháng 6 năm sau và qua Việt Nam để tiếp mấy tháng nữa). Hiện nay, ở thị trường TP Hồ Chí Minh không có kiwi Trung Quốc. Kiwi ruột vàng có từ tháng 4 đến tháng 9 là hết, ruột xanh từ tháng 4 đến hết tháng 1, thế nhưng, nhiều mặt hàng trong số đó vẫn được dán mác các loại trái cây này để bày bán trên thị trường.
Theo TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường Viện cây ăn quả miền Nam, một số trái cây trong nước chưa sản xuất được hoặc sản lượng thấp được nhập về là điều rất bình thường vì không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân mà còn để phục vụ đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Hiện nay, mặc dù trái cây trong nước vẫn chiếm phần lớn thị trường, nhưng một số loại trái cây ngoại vẫn có khách hàng riêng.
Trước thông tin một số trái cây Trung Quốc được nhập về nhiều nhưng thị trường lại ít có, liệu có xảy ra việc nguồn gốc xuất xứ bị nhập nhằng hay không? Tiến sĩ Lập cho rằng, điều này có thể do những người kinh doanh đã cố tình "đánh lận con đen". Trong khi đó, tiêu chuẩn về trái cây của Việt Nam đã quá lỗi thời, cho nên hầu như các loại trái cây của nước ngoài khi nhập về đều đạt tiêu chuẩn của Việt Nam. Riêng việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện ở các cửa khẩu, chợ đầu mối đang thiếu nhân sự cùng các trang, thiết bị để kiểm tra, phân tích.
Khi công tác kiểm định còn nhiều bất cập, thị trường trái cây nhập ngoại đang lộn xộn như hiện nay, thì người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi, không chỉ về túi tiền mà còn về sức khỏe. Đây là thực tế bức thiết mà các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hữu hiệu...
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]