Nông dân huyện Trà Cú (Trà Vinh) những ngày này không còn hồ hởi như trước đây vì con cá lóc nuôi đã không còn thời hoàng kim. Hàng trăm gia đình gắn bó với nghề nuôi cá lóc đã lấp ao, bỏ nghề vì nợ ngân hàng chồng chất mà chưa biết bao giờ trả được.
"Mấy năm trước giá cá lóc bình quân 35.000-36.000 đồng một kg. Với diện tích 1.000m2 sau 5 tháng, người nuôi thu lợi gần 100 triệu đồng. Nay giá giảm mạnh khiến nông dân trắng tay", ông Ngô Văn Nghiêm ở xã Định An nói và cho biết thêm so với cùng kỳ năm 2013, giá cá lóc thương phẩm từ 40.000- 42.000 đồng một kg nay giảm xuống còn 26.500-30.000 đồng một kg nhưng tiêu thụ rất khó khăn.
Là một trong những người tiên phong nuôi cá lóc ở Trà Vinh, ông Tống Văn Nhanh kể 3 năm trước chỉ có vài chục rồi phát triển lên vài trăm hộ nuôi cá lóc và giờ là hàng nghìn hộ nuôi. Từ đó cung vượt cầu đẩy nông dân vào cảnh "chết đứng". Theo ông Nhanh, giá thành cá lóc thương phẩm khoảng 30.000- 31.000 đồng một kg, nông dân nuôi đạt thì có lời, nay giá cá giảm gần 10.000 đồng một kg so năm trước là nguyên nhân khiến nông dân đổ nợ.
Một thực tế dễ thấy là nông dân miền Tây đã bất chấp mọi khuyến cáo của các nhà quản lý và chuyên môn để nuôi cá lóc ồ ạt. Năm 2013, nhiều nơi ở Trà Vinh, nông dân phá bỏ mía, lúa và rau màu để đào ao nuôi cá lóc.
"Không chỉ giá cá lóc liên tục giảm mà còn kéo theo tình trạng nguồn nước ô nhiễm nặng, cá chết hàng loạt làm người nuôi dở khóc, dở cười. Tại huyện Trà Cú 'ế' hơn 10.000 tấn cá lóc", ông Trần Văn Đồng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Trà Cú nói.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hai năm trước Trà Vinh có 660 hộ thả nuôi cá lóc thì nay đã tăng lên 2.100 hộ. Riêng huyện Trà Cú sau nhiều năm thắng lớn, năm 2013 diện tích nuôi cá lóc chiếm đến khoảng 2.000 hộ, thả nuôi 122 triệu con giống trên diện tích 212 ha, sản lượng thu hoạch hơn 21.000 tấn, tăng gấp đôi năm trước.
"Số hộ nuôi cá lóc tăng nhanh do nông dân thấy 1.000 m2 đất trồng mía cả năm chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng, trồng lúa chỉ lãi từ 1-1,5 triệu đồng một năm nhưng nuôi cá lóc 5 tháng đã thu lợi nhuận 80- 100 triệu đồng. Vì thấy cái lợi trước mắt mà đua nhau thả nuôi, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng nên hệ lụy là cá lóc tồn đọng nhiều nhưng thị trường tiêu thụ rất bấp bênh", ông Lâm Tấn Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Trà Cú nhận xét.
Không riêng gì con cá lóc ở Trà Vinh, hàng trăm hộ nuôi ở Hậu Giang như đang ngồi trên lửa vì cá rô đầu vuông giá từ 27.000-30.000 đồng một kg giảm xuống còn khoảng 16.000 đồng. Theo người dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang), trước đây bình quân một ha ao nuôi cá rô mỗi năm thu hoạch gần 100 tấn, lãi hàng chục triệu đồng. Hai năm nay nông dân Hậu Giang bắt đầu "treo ao" dần, hoặc thả ít lại nên mỗi ha chỉ thu hoạch 10-30 tấn cá mỗi năm nhưng vẫn nghẽn đầu ra.
"Để có được một kg cá tốn 20.000-24.000 đồng, nhưng năm nay giá cá rô thương phẩm giảm xuống 16.000-17.000 đồng một kg loại 10 con khiến người nuôi lỗ nặng", một nông dân cho biết.
Không riêng gì người nuôi, các đại lý bán thức ăn nuôi cá rô cũng mất khách dần. Theo nhiều thương lái, cá rô đầu vuông đa phần chỉ tiêu thụ trong nước, đầu ra không ổn định.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]