Được mùa, mất mùa đều rớt giá
Dưa hấu, hành tây, hành tím… là những nông sản rớt giá mạnh nhất trong vụ mùa năm nay khiến bà con nông dân lao đao. Cụ thể, dưa hấu là mặt hàng luôn xảy ra tình trạng được mùa mất giá trong 3 tháng đầu năm nay. Hồi đầu tháng 3, khi vào vụ thu hoạch, thương lái ngưng thu gom khiến giá dưa ở Quảng Ngãi tụt dốc từ 5.000 đồng/kg xuống còn 500 đồng/kg. Nhiều nông dân thất vọng đã bỏ mặc ruộng dưa cho trâu bò ăn, một số hộ khác bán đổ bán tháo, nhiều gia đình thu hoạch hơn 3 tấn dưa nhưng chỉ bán được 2 triệu đồng.
Nông dân khi ký hợp đồng với DN phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký, không vì lợi ích nhỏ đem sản phẩm DN đầu tư đi bán nơi khác thu mua với giá cao hơn. Điều quan trọng là giữa DN và người nông dân cần có sự gắn kết chặt hơn để tạo ra sức mạnh nông sản Việt Nam mới phát triển bền vững, nếu không cảnh trúng mùa rớt giá và việc thừa thiếu nguyên liệu không khắc phục được. Cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà DN. Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Tương tự dưa hấu, hành tím ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hồi tháng 4 đã khiến nông dân khóc ròng. Trước đây hành tím bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg, nhưng nay mức giá cao nhất bán tại các chợ trên địa bàn TPHCM cũng chỉ 15.000 đồng/kg, còn thương lái thu mua trực tiếp tại ruộng chỉ có 5.000-7.000 đồng/kg. Với mức giá đó, nhiều người dân cho biết chỉ có thể hòa vốn, thậm chí càng trồng nhiều càng lỗ.
Do vậy, hành tím thu hoạch xong phải chất đống trong nhà vì không bán được. Theo thống kê, toàn bộ xã Vĩnh Châu có tới hơn 50.000 tấn hành hiện vẫn còn ế ẩm. Mặc dù, địa phương và các hệ thống siêu thị tại Hà Nội, TPHCM đã thu gom, nhưng số lượng quá lớn không thể giải quyết hết.
Sau dưa, hành tím, hiện tại xoài, vải thiều, khoai lang đang có nguy cơ dội chợ, chưa kể còn bị trái cây Trung Quốc tràn ngược sang thị trường nội địa. Hay mới đây, vụ việc bò sữa ở huyện Củ Chi, TPHCM, điểm tập trung số lượng bò sữa lớn cả nước, không tìm được đầu ra cũng khiến các hộ nông dân và chính quyền địa phương đau đầu.
Theo đó, hàng chục tấn sữa bò sau khi vắt xong không có DN thu mua phải đổ đi bởi nông dân không đảm bảo hợp đồng dẫn đến số lượng đàn bò và sản lượng sữa tăng một cách đáng kể. Bên cạnh các mặt hàng trái cây, nhiều loại rau củ quả, cà phê, cao su… những mặt hàng chủ lực trong nền nông nghiệp của nước ta cũng lâm vào tình cảnh bế tắc đầu ra. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo giảm tới 28,1%, cà phê giảm trên 40%, thủy sản giảm trên 20%. Nếu như nông sản được mùa nên rớt giá đã là câu chuyện xưa, thì nay cho dù mất mùa nhưng giá nhiều loại nông sản cũng rớt một cách thê thảm.
Cần thay đổi thói quen sản xuất
Tình trạng này khiến nông dân điêu đứng bởi cứ đến mùa thu hoạch lại lo ế, không bán được sản phẩm, gây mất niềm tin dẫn đến chặt bỏ, chuyển đổi sang loại cây trồng, vật nuôi khác gây mất ổn định công tác điều hành sản xuất. Điều này cho thấy việc quy hoạch diện tích cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn đang còn nhiều thách thức.
Trao đổi với ĐTTC về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt mặt hàng nông sản rớt giá, ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco), cho biết nguyên nhân bắt nguồn từ những biến động của thị trường thế giới, cụ thể giá nông sản thế giới liên tục lao dốc trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, hàng nông sản nội địa bị thua thiệt về mọi mặt. Bà con nông dân chưa quy hoạch vùng chuyên canh sản phẩm theo lợi thế, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên giá thành cao, sản phẩm không đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, chưa tổ chức được liên kết vùng dẫn đến việc nhiều vùng, nhiều địa phương cùng trồng một loại cây.
Hiện tượng nông dân thấy cây trồng nào được giá ngay lập tức chuyển sang trồng cây đó, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, hàng hóa dư thừa làm giảm chất lượng, không tiêu thụ được. Mặt khác, các DN hoạt động trong cùng một lĩnh vực thường xuyên tranh mua tranh bán, làm giá nguyên liệu đầu vào biến động dẫn đến DN và người nông dân đều rơi vào tình trạng khó khăn.
Việc giải quyết hay đưa ra giải pháp trong ngày một ngày hai không thể được mà nông dân và chính quyền địa phương cần có hướng đi cụ thể và lâu dài. Để bán được giá tốt, trước hết nông dân phải thay đổi thói quen sản xuất, từ bỏ cách trồng theo phong trào. Thay vào đó, các hộ nông dân tham gia vào các HTX nông nghiệp, các hội nông dân sản xuất… để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra, giá cả.
Ông Đấu đề xuất cần quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh. Đồng thời các DN cùng nhau liên kết lại. Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cần hỗ trợ mạnh hơn để nâng cao năng suất, chất lượng giống và quy hoạch vùng chuyên canh cho cây trồng. Tuyên truyền phổ biến sâu rộng kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý phù hợp với thị trường nhập khẩu, đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]