"Trăm hoa đua nở"
Lựa chọn thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ (thực phẩm organic) cùng với sự quảng cáo rầm rộ của các nhãn hàng đã trở thành "cứu cánh" cho các bà nội trợ. Điều này lý giải vì sao rất nhiều cá nhân, công ty mạnh tay đổ vốn vào kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch đã phải gánh nợ và dẫn đến phá sản do thua lỗ.
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết có những thương hiệu rau an toàn đình đám một thời cũng phải thua lỗ, phá sản như nhãn hiệu Liên Thảo với 60 cửa hàng trải dài Hà Nội đã đóng cửa.
Ngoài ra, ông chủ của Công ty Hương Cảnh từng bỏ hàng tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền sơ chế rau an toàn hiện đại đóng ở xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã phá sản do thua lỗ.
Bên cạnh đó, không ít người nhiệt huyết muốn xây dựng một thương hiệu sạch, nhưng cuối cùng vẫn không trụ vững phải bán lại với giá rẻ.
Nhưng không dễ "sống"
Hiện nay, các loại thực phẩm gắn mác “sạch”, “an toàn” được cung cấp đến tay người tiêu dùng bằng rất nhiều hình thức như các cửa hàng nhỏ lẻ cho đến các chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch có tên tuổi, mạng facebook, website….Tuy nhiên, nhiều trường hợp phá sản vì thực phẩm sạch giá cao, không ai mua được và đặc biệt không có gì chứng minh được của sản phẩm của mình là sạch.
Theo ông ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương): "Muốn hạ giá thành phải sản xuất ở quy mô lớn phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa được quy mô lớn, nhưng quy mô lớn phải tiêu thụ nhiều mà người dân không tiêu thụ được nhiều thì không thể mở quy mô và không mở được quy mô thì không thể hạ giá thành. Cứ thế chúng ta đang ở trong vòng luẩn quẩn. Người tiêu dùng muốn hạ giá thành nhưng lại không mua thì làm sao có thể mở rộng? Anh muốn một đằng những anh không hoạt động thì không bao giờ có thể đạt được mục đích".
Thêm một lý do nữa khiến các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch khó "sống" là do thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt khi nhiều người Việt tuy chê thực phẩm bẩn nhưng lại ngó lơ hoặc khó tiếp cận được với những nguồn thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch bởi giá thành quá cao.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, người sáng lập cộng đồng những người cung cấp và sử dụng thực phẩm sạch Greener tiết lộ, trên thị trường, do khâu trung gian nên chi phí bị đẩy lên nhiều dẫn đến việc giá các loại thực phẩm đang khá đắt so với giá trị thực sự.
Cụ thể, các chi phí đắt đỏ như thuê địa điểm "vàng" đặt cửa hàng như các góc ngã 3, ngã 4 đường phố lớn, tầng trệt các khu đô thị sang trọng; đầu tư nhiều vào trang thiết bị, nhân sự và đặc biệt là chi phí quảng cáo... khiến giá bán của sản phẩm bị đẩy lên nhiều lần so với giá thành ban đầu.