Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Đây là một bước ngoặt lớn và là đòn bẩy tạo thế và lực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2014.
Nhiều chỉ số tăng ấn tượng
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, tổng thu ngân sách Nhà nước (không tính ghi thu ghi chi) trong 8 tháng ước thực hiện 170.683 tỷ đồng, đạt 75,42% dự toán, tăng 16,25% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,3%).
Trong đó thu nội địa 92.858 tỷ đồng, đạt 74,77% dự toán, tăng 19,82% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 20.825 tỷ đồng, đạt 76,28% dự toán, tăng 1,69% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 57.000 tỷ đồng, đạt 76,2% dự toán, tăng 16,68%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong tháng Tám, ước đạt 54.882 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,9%). Tính chung 8 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 420.777 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%), chủ yếu tăng ở các ngành đồ dùng gia đình, phương tiện đi lại và xăng dầu.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám tăng 0,05% so với tháng trước; so với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,27% (cùng kỳ tăng 1,26%).
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đến cuối tháng Tám đạt 1.216.500 tỷ đồng, tăng 3,9% so cuối năm 2013 và tăng 14,49% so cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 997.500 tỷ đồng, tăng 4,68% so cuối năm 2013 và tăng 11,19% so cùng kỳ.
Lượng hàng hóa thông qua cảng tháng Tám ước đạt 7.254,1 nghìn tấn, tăng 16,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,4%). Tính chung 8 tháng, lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 54.492,6 nghìn tấn, tăng 14% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,2%); trong đó, hàng hóa xuất khẩu đạt 20.813,5 nghìn tấn, tăng 14,1%; hàng nhập khẩu đạt 24.832,4 nghìn tấn, tăng 15,9%.
Chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố 8 tháng ước tăng 6,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,5%) và tăng liên tục từ đầu năm đến nay, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 7,5% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Hiện quy mô sản xuất công nghiệp trên tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.
Riêng về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8, thành phố có 241 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,06 tỷ USD, so với cùng kỳ giảm 7,3% về số dự án và tăng 80,3% về tổng vốn.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, những chỉ số đạt được trong 8 tháng qua của thành phố đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế thành phố vẫn còn một số vấn đề cần chú ý như vấn đề kết nối giữa các doanh nghiệp và ngân hàng cần tăng cường hơn nữa, nhất là đối với các doanh nghiệp bình ổn giá của thành phố.
Theo ông Lê Hoàng Quân, hiện nay các ngân hàng thương mại đang có kế hoạch giảm lãi suất cho vay, đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của thành phố lại thấp, chỉ khoảng 4,7% trong khi mục tiêu đặt ra là phấn đấu tăng trưởng 10-15%.
Một vấn đề nữa được đặt ra trong 8 tháng là chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu không tăng trưởng mạnh. Trong bối cảnh thành phố những năm qua tập trung cho xúc tiến đầu tư nhưng kim ngạch lại giảm so với cùng kỳ, trong khi đó lượng hàng hóa qua cảng vẫn tăng trưởng khá.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng Tám ước đạt 2.248,2 triệu USD, giảm 2% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 23,5%). Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18.565,3 triệu USD, tăng 2,3% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,8%).
Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.242,1 triệu USD, tăng 0,1% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so cùng kỳ như: thuỷ sản, may mặc, gạo, cà phê, giày dép...
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu tháng Tám của thành phố ước đạt 1.605 triệu USD, giảm 10,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,3%). Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15.606,6 triệu USD, giảm 9,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,5%). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nhiên liệu, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày, vải các loại...
Tuy nhiên, trong tháng có một số sản phẩm nhập khẩu giảm như: sắt thép; sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm...
Đặc biệt, các doanh nghiệp tại thành phố đã từng bước chủ động đa dạng thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác và nhập khẩu giảm, trong đó nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm 7,4% trong khi xuất khẩu tăng 15,4%.
Phân tích của ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thành phố cũng cho thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong tháng Tám và tính chung 8 tháng cao hơn kim ngạch nhập khẩu (xuất siêu), và trong cơ cấu nhập khẩu, một số mặt hàng, sản phẩm công nghệ cao như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có xu hướng giảm về giá trị nhập khẩu.
Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hóa chất có kim ngạch nhập khẩu tăng. Điều này cho thấy khả năng sản xuất cũng như cạnh tranh của một số mặt hàng này là chưa cao.
Ngoài ra, mặc dù một số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng lớn hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng tính riêng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vẫn ở mức cao.
Tính đến ngày 20/8 có 15.071 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới (tăng 1.824 doanh nghiệp so với số liệu tháng Bảy), nhưng đã có 14.199 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 2.156 doanh nghiệp so với số liệu tháng Bảy).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, ông Lê Hoàng Quân cho rằng, trong những tháng cuối năm, để đạt kế hoạch đề ra các ngành, các cấp của thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng, đổi mới công nghệ.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách của thành phố như: chương trình kết nối cung-cầu, kết nối doanh nghiệp-ngân hàng, chương trình kích cầu thông qua đầu tư... để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp.
Ngoài ra tại cuộc họp, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2014, tạo thế và lực trong năm 2015, trong đó ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố sẽ triển khai đồ bộ các biện pháp thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí; đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách, cắt giảm vốn đối với các dự án không hoặc chậm thực hiện.../.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]