Hồi tháng 10 vừa qua, Nga phải tổ chức hội thực phẩm ngay giữa TP Moscow, mục đích chủ yếu là giúp cho các nhà nhập khẩu tìm nguồn hàng từ các nước châu Á thay thế châu Âu và Mỹ đã bị chính phủ cấm nhập trước đó. Có mặt tại hội chợ, được tiếp xúc với ông Denis Repinski, giám đốc điều hành công ty DF có trụ sở tại TP. Moscow, ông nói: “Đã nhiều tháng qua và có khi một vài năm nữa người dân Nga phải từ bỏ thói quen sử dụng các món cá hồi, thịt bò, thịt heo, gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả từ Mỹ và các nước châu Âu”.
Lệnh cấm vận làm đảo lộn tất cả công việc kinh doanh của các doanh nghiệp, theo Denis Repinski, giờ đây, họ phải tìm kiếm nguồn hàng và ưu tiên ở châu Á do có giá thành rẻ hơn.
Tại thời điểm trung tuần tháng 10/2014, cá rô phi đơn tính của Trung Quốc được bán với giá 150 rúp/kg (khoảng 4 USD-quy đổi 40 rúp ăn một đô la) tại thị trường Nga. Còn cá hồi nhập khẩu từ Na Uy có giá lên tới…15 USD/kg vì hai tuần trước, do lệnh cấm nhập khẩu khiến cho thị trường khan hàng nên giá tăng gấp 3 lần.
Tương tự, thịt gà, thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, các nước châu Âu bán lẻ trong hệ thống siêu thị và cửa hàng cũng có giá trung bình từ 150-170 rúp/kg (tương đương trên dưới 4 USD). So với các loại thực phẩm nhập khẩu trên, cá tra Việt Nam có giá rẻ nhất, chỉ có trung bình trên dưới 2 USD/kg.
Không cớ gì ông Denis Repinski, ngay cả Dmitri Danguaer, giám đốc điều hành công ty RFish, một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối thủy sản lớn nhất ở Nga đều khẳng định: “Tới đây chúng tôi cần nhiều hàng từ Việt Nam, chỉ sợ Việt Nam không đáp ứng đủ”.
Câu chuyện giá cả thực phẩm ở Nga hồi tháng 10 hoàn toàn khác với hiện nay khi đồng rúp tiếp tục mất giá. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá cả thực phẩm ở Nga tiếp tục lên cơn sốt. Đâu đó trên diễn đàn mạng, người ta đã chứng kiến cảnh người dân Nga xếp hàng mua hàng ở siêu thị vì lo sợ đồng rúp không trụ nổi.
Với những gì đang xảy ra ở Nga, dư luận trong nước cũng nghĩ đến viễn cảnh khó khăn dành cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo phân tích sẽ thấy, kinh tế Nga càng khó khăn, quy luật người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu hàng xa xỉ, cao cấp bị loại trừ, thay vào đó là các sản phẩm có giá thành rẻ sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Và như vậy, nông thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra đang có lợi thế nhất.
Tại sao lại như vậy? Vì giá cá tra Việt Nam bán tại thị Nga có giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm nuôi trồng nhập khẩu từ các nước châu Á khác. Qua năm 2015, giá thành nuôi cá dự báo còn thấp hơn nữa do giá nguyên liệu thức ăn nhập khẩu đang giảm khá mạnh. Bắp, bã dầu đậu nành, cám gạo, các nguyên liệu khác đã giảm ít nhất 20-30% so với cách nay một năm.
Từ ngày 1/1/2015, mặt hàng thức ăn chăn nuôi tiếp tục được hưởng lợi bỏ thuế VAT (5%). 1kg thức ăn cá tra đang có giá trung bình hơn 10.000 đồng, năm tới người nuôi tiết kiệm được khoảng 500 đồng. Các chi phí xăng dầu, điện, nước, đặc biệt là lãi vay ở mức rất thấp. Chưa bao giờ sản xuất thủy sản lại có lợi như vậy.
Nếu như trước đây, giá thành nuôi cá tra dao động 22.000-23.000 đồng, thì dự báo, qua năm 2015 chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg. Đây là yếu tố cạnh tranh then chốt dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Là lợi thế rất lớn dành cho những doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sản xuất dựa trên nền tảng kinh doanh khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu. Việc sản xuất cá tra có giá thành rẻ, chất lượng là yếu tố cạnh tranh mang tính quyết định trong bối cảnh thị trường Nga và nhiều nước gặp khó khăn.
Nhìn lại khủng hoảng kinh tế giai đoạn cao điểm nhất, năm 2007-2009 Việt Nam cũng tương tự như Nga bây giờ. Đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao, giá hàng hóa đắt đỏ. Nhưng nếu để ý sẽ thấy, thực phẩm nhập khẩu, nhất là thịt gà, thịt heo từ Mỹ và châu Âu vẫn tràn ngập thị trường bởi có giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của người dùng trong thời điểm thu nhập giảm sút. Thời điểm đó, giá thịt ngoại nhập khẩu chỉ có 0,7-1 USD/kg.
Các nhà xuất khẩu Mỹ và châu Âu đã nhanh chân nắm bắt cơ hội lúc kinh tế Việt Nam khó khăn để ồ ạt đưa thịt vào bán. Sản lượng thịt nhập khẩu có năm tăng lên 250.000-300.000 tấn. Nay, đối chiếu với tình hình kinh tế Nga cũng không khác biệt mấy. Người dân Nga bắt đầu loại bỏ hàng hóa xa xỉ ra khỏi danh sách sử dụng, thay vào đó là sản phẩm có giá rẻ hơn. Và đây chắc chắn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất hàng sang Nga.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]